Đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đang là một vấn đề “nóng” trên phạm vi toàn cầu, được nhiều quốc gia hết sức quan tâm. Đây cũng là một trong 4 ưu tiên của nước chủ nhà Việt Nam trong năm APEC 2017 và nội dung này được đưa vào trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các cuộc họp liên quan, bắt đầu diễn ra từ hôm nay đến 30/8 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa |
Đây là hội nghị SOM thứ tư kể từ đầu năm APEC 2017 và là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC do Việt Nam tổ chức. Khoảng 2100 đại biểu quốc tế và trong nước đại diện 21 nền kinh tế thành viên tham dự. Trong khuôn khổ các hoạt động của SOM 3 diễn ra Tuần lễ An ninh lương thực trong đó điểm nhấn là Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu: Chủ đề nóng phạm vi toàn cầu
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có diện tích rộng lớn, dân số chiếm 3 tỷ (khoảng 40%) dân số toàn cầu. Những năm gần đây, bằng những tiến bộ kỹ thuật cũng như tiến bộ về kinh tế thì các quốc gia trên thế giới nói chung, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã vươn lên tự túc được lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế, khoa học công nghệ cũng như vị trí địa lý khác nhau nên vẫn còn xảy ra tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng trẻ em. Ngoài ra, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động của thiên tai lớn nhất trên thế giới. Những khó khăn này khiến các vấn đề về an ninh lương thực, sản xuất nông nghiệp bền vững trước thích ứng biến đổi khí hậu càng đặt ra nóng bỏng. Vì vậy, việc Việt Nam lựa chọn chủ đề an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng trước biến đổi khí hậu lần này là nội dung, chủ đề được các nước thành viên APEC đồng tình cao. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Tại diễn đàn này, chúng ta kỳ vọng thông qua được 3 thông điệp. Thứ nhất, thông qua được kế hoạch khung về chương trình phát triển an ninh lương thực, gắn với nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, Chương trình kế hoạch khung về phát triển nông thôn gắn với đô thị một cách hài hòa. Thứ ba, xác định rõ về Khung định hướng chung về phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Qua đó, tiếp tục truyền cảm hứng phát động phong trào “khởi nghiệp” trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút các thành phần kinh tế, cá nhân và tổ chức khởi nghiệp, sáng tạo trong khu vực nông nghiệp”.
Ảnh minh họa |
Hội nhập APEC mang lại những lợi ích to lớn cho kinh tế
Gần 20 năm tham gia APEC, 2 lần làm nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể đồng thời thu được những thành quả hợp tác to lớn từ diễn đàn này. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, thành quả rất rõ nét nhất là từ một đất nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực cho hơn 92 triệu dân mà còn là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Đây là thành quả chung của cả quá trình hội nhập quốc tế, hội nhập APEC nói riêng.
Là một quốc gia nông nghiệp, lại đang chịu sự tác động to lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn xác định một trong những trụ cột phát triển của nền kinh tế bền vững là an ninh lương thực. Vì vậy, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu hợp tác ở diễn đàn APEC nói chung, Tuần lễ APEC về nông nghiệp và an ninh lương thực nói riêng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: “Riêng chủ đề này nông nghiệp được chọn thành Tuần lễ về nông nghiệp không chỉ để chuyển tải những mục tiêu, sự kiện, những hành động xung quanh chủ đề về nông nghiệp mà cụ thể hơn là vấn đề an ninh lương thực gắn trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững trước tác động biến đổi khí hậu; Phát triển nông thôn hài hòa với thành thị trong một bức tranh đô thị hóa như thế nào, ở một khu vực có chịu nhiều tác động dị thường của thời tiết cũng như thiên tai”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: nongnghiep.vn |
Được biết số thành viên tham gia Diễn đàn năm nay gấp gần 10 lần số thành viên kể từ khi Việt Nam đăng cai APEC lần đầu tiên năm 2006. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu rộng của các thành viên trong khối đối với các lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
Với Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực an ninh lương thực. Lần thứ 2 đăng cai APEC, trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển to lớn, vai trò tích cực và có trách nhiệm của nền kinh tế thành viên Việt Nam một lần nữa được tiếp tục phát huy. Không chỉ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được trong vấn đề an ninh lương thực của quốc gia, mà còn là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên trong APEC. Cũng thông qua đó, Việt Nam thu hút được thêm nguồn lực quản trị, nguồn vốn tài chính cho nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp trong toàn khối nói chung, nhằm mục tiêu tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung trong APEC.