Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi, cơ quan chức năng đã có những giải pháp thảo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam, để giúp nền kinh tế phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Ảnh: kinhtetrunguong.vn |
Tại Hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế lần thứ 5, diễn ra ngày 17/12, tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng việc phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ và hỗ trợ thị trường tài chính và thị trường bất động sản sẽ giúp ổn định kinh tế. Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đã liên tiếp có những động thái, từ ban hành Chỉ thị đến việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ để kịp thời gỡ khó cho thị trường. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc sửa đổi các quy định về đất đai, thủ tục đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển dự án cần được ưu tiên, khẩn trương thực hiện trong năm 2023.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tham luận. Ảnh: kinhtetrunguong.vn |
Về thị trường tài chính, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, cho rằng hiện nay có 3 vấn đề đối với hệ thống tài chính cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục. Đó là sự mất cân đối, khi nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống Ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy tốt. Thứ hai là rủi ro về hệ thống tài chính và thứ ba là thể chế kinh tế của Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa để phát triển những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính Ngân hang, như: tài chính số, ngân hàng số.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết: "Cần đẩy mạnh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, Ngân hàng, đặc hiệt là những tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo phân bổ và huy động nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này cũng đảm bảo hệ thống tài chính phát triển bền vững, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như đã xảy ra trong thời gian qua. Một vấn đề cần được ưu tiên trong năm 2023 là phải đảm bảo thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý thật tốt nhu cầu trái phiếu đáo hạn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản".
Một kênh huy động vốn rất quan trọng đối với doanh nghiệp thời gian gần đây là kênh trái phiếu. Hiện nay, Bộ tài chính đang khẩn trương thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới phát sinh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, việc cho phép trái phiếu đã phát hành được gia hạn tối đa 2 năm sẽ góp phần giảm áp lực trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn qua kênh này.