Làm “căn cước” cho hàng Việt ra nước ngoài

Ánh Huyền-Ngọc Xuân
Chia sẻ
(VOV5) -  Tuân thủ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, áp dụng công nghệ giúp sản phẩm, thương hiệu Việt ngày càng hiện diện tại thị trường toàn cầu.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một yêu cầu đầu tiên và quan trọng để đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới, thâm nhập thị trường các nước. 

Làm “căn cước” cho hàng Việt ra nước ngoài - ảnh 1Chương trình Điểm hẹn kiều bào tháng 7 mới đây, nhằm kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: M.P

Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau 2 năm triển khai quyết định về áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được với người tiêu dùng trên thế giới, nhất là thông qua các kênh phân phối của các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ thực tế đưa mặt hàng nấm linh chi vào mạng lưới tiêu thụ tại sàn giao dịch Amazon, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, người Việt ở Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, khẳng định ngoài chất lượng sản phẩm, việc truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng, được hiểu như là “căn cước” cho hàng hóa để người tiêu dùng nước ngoài có thể kiểm tra và tin dùng: "Để đạt được một sản phẩm từ Việt Nam xuất qua thị trường Mỹ, việc đầu tiên phải khẳng định được tất cả sản phẩm đều phải có chứng nhận, có bằng sáng chế và có xét nghiệm theo từng giai đoạn. Ngoài ra, phải hiểu tiêu chuẩn ở Mỹ quy định gì? Thí dụ thực phẩm chức năng thì nguyên liệu phải organic, được xét nghiệm bởi phòng thí nghiệm nào, đạt chuẩn nào. Sản phẩm phải đăng ký thương hiệu, chắc chắn là không ai làm nhái được."

Làm “căn cước” cho hàng Việt ra nước ngoài - ảnh 2Ông Nguyễn Ngọc Luận, người Việt ở Australia, CEO Meet More Coffee. Ảnh: Ngọc Xuân

Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xuất sang thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu, với sản phẩm cà phê hòa tan trái cây  thương hiệu Meet More Coffee, chia sẻ nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đã giúp sản phẩm của Công ty ông đứng vững tại thị trường nước ngoài: "Đối với chúng tôi, điều đầu tiên chính là tham gia vào quy trình ISO, có đầy đủ chứng từ và dữ liệu văn bản trong từng lô hàng, sau này mã hóa dữ liệu đó trên cổng thông tin bằng QR code, hay thông tin về công nghệ. Doanh nghiệp bắt buộc phải có bộ phận kiểm soát nội bộ, đây là điều rất quan trọng, cần đầu tư vào bộ máy quản trị chất lượng."

Đến nay, sản phẩm Meet More đã chinh phục rất nhiều khách hàng với tỷ lệ phủ sóng dày đặc trên các kệ trưng bày siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ trên toàn quốc. Không chỉ vậy, Meet More đã thông qua những tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm khắc nhất và dần có mặt ở 20 thị trường cà phê trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho truy xuất nguồn gốc, như chi phí đào tạo nhân lực chuyên môn cao, chi phí đào tạo nhân viên về công nghệ, thiết lập hệ thống ghi nhận và kiểm tra dữ liệu chính xác, liên tục.

Bà Đỗ Tú Trace, Giám đốc đối ngoại Công ty Blue Saigon, cho biết doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc luôn rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR là một giải pháp hữu hiệu trong truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm: "Chúng tôi đã thành lập một đội ngũ để sử dụng tất cả các app trên thị trường phục vụ cho việc truy xuất này. Nhiều đơn vị đồng hành và hỗ trợ chúng tôi để có thể thực hiện đúng các tiêu chuẩn phù hợp với nhà cung cấp, nhà sản xuất, các đối tác nhập khẩu."

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam cung cấp hàng hóa ra nhiều thị trường thế giới. Đơn cử như với mặt hàng nông sản Việt Nam, các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng này, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)… đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp. Thực tế, việc xây dựng hệ thống quy định của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn bán hàng qua các nước đó.

Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, cho rằng: "Truy xuất nguồn gốc là một cách để thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc giúp chứng minh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và môi trường được quy định bởi các tổ chức quốc tế. Điều này tạo lòng tin từ phía đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy mối quan hệ thương mại và tạo lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế."

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Để cạnh tranh hiệu quả, khẳng định chất lượng hàng Việt tại thị trường nước ngoài, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thế giới, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, còn đòi hỏi nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp trong việc luôn đổi mới chính mình, nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ nhất của thị trường đích đến. Tuân thủ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, áp dụng công nghệ giúp sản phẩm, thương hiệu Việt ngày càng hiện diện tại thị trường toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu