Hàng chục nghìn doanh nghiệp hưởng lợi từ Chương trình Quốc gia về hàng hóa

Chia sẻ
(VOV5) - Việc triển khai Chương trình đã và sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,

Hàng chục nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi từ Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp hưởng lợi từ Chương trình Quốc gia về hàng hóa - ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. - Ảnh: thuonghieucongluan.com.vn 

Chương trình gọi tắt là Chương trình 712, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2010, với mục tiêu: Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ), nhấn mạnh: "Sau 10 năm triển khai Chương trình 712 đã cho chúng ta thấy Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp, coi việc nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp là một trong những chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Cái quan trọng nhất là hàng chục nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận với những công cụ quản lý, những tiêu chuẩn hiện đại nhất hiện nay, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế…"

Tại hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình đã và sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu