Giá trị xuất khẩu đóng góp cho nền kinh tế Việt nam 2015

Chung Thủy - Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2015, trong bối cảnh xuất khẩu chung trên thế giới suy giảm, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vẫn tăng 8,1% so với năm 2014.

(VOV5) - Năm 2015, trong bối cảnh xuất khẩu chung trên thế giới suy giảm, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vẫn tăng 8,1% so với năm 2014.

Giá trị xuất khẩu đóng góp cho nền kinh tế Việt nam 2015 - ảnh 1
Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng

Nghe âm thanh tại đây:



Tuy thấp hơn so với mục tiêu phấn đấu tăng 10%, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua vẫn được đánh giá là  điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước. Quy mô xuất khẩu  được mở rộng, góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nông sản cho nông dân.


Năm 2015 kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, giá dầu thô liên tục sụt giảm, thị trường tiền tệ thế giới diễn biến khó lường những tháng cuối năm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tính chung cả năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 162 tỷ USD, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra là 165 tỷ USD, nhưng vẫn tăng hơn 8,1% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 115 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2014. Hoa Kỳ, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định do nhu cầu thị trường thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến một số mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản, dầu thô, than đá. Điều quan trọng là Việt Nam vẫn giữ được các thị trường đang có. Việc hụt hơn 3 tỷ USD giá dầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm 2015, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là một số mặt hàng chủ lực như gạo, góp phần "kéo" lại kim ngạch xuất khẩu. Trong mặt bằng xuất khẩu chung, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung. Sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử. Trong đó ngành dệt may vẫn giữ vững top đầu tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may nói:“Tập đoàn luôn tập trung vào lĩnh vực mình làm việc tốt nhất, có năng lực cạnh tranh cao nhất đó là sản xuất hàng hóa dệt may. Điểm khác biệt trong chiến lược phát triển tới đây là tiếp tục đầu tư thật cao cho khu vực làm hàng hóa dệt may và nguyên liệu dệt may. Trong hàng hóa dệt may tập trung vào hàng có kỹ thuật cao, đòi hỏi tay nghề cũng như công nghệ của các nhà máy phải tốt. Thứ 2, tập trung vào cơ chế dịch chuyển mô hình sản xuất.

 

Năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam được kết quả khả quan do các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt là việc Việt Nam đã liên tiếp hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế lớn có cơ cấu hàng hoá thương mại bổ sung với Việt Nam, gồm Hàn Quốc; Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những hiệp định này mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng mới cho xuất khẩu Việt Nam. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Tác động của các Hiệp định này đến xuất khẩu của Việt Nam lớn chưa từng có. Trong khối TPP gồm 12 nước thì Việt Nam được đánh giá là có tác động đến xuất khẩu lớn nhất xét theo tỷ trọng của hiệp định đối với tổng giá trị xuất khẩu. Và riêng dệt may tăng gấp đôi. Nhờ các hiệp định này mà hàng triệu công ăn việc làm được tạo ra. Hay như Hiệp định Việt Nam – EU, tác động cũng vô cùng lớn, tăng xuất khẩu 30-35%.”

      

Nhằm nắm bắt những cơ hội từ các Hiệp định kinh tế mang lại, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Theo đó, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết:“Tại thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước cố gắng mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do FTA mà triển vọng sắp tới với 2 khu vực Hoa Kỳ và EU. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là đứng ra bảo vệ doanh nghiệp trong những trường hợp ấy, đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ hỗ trợ về xuất khẩu ví dụ như logistics, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN”.

 

Để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016, giải pháp mà Chính phủ đưa ra là tập trung khai thác, phát huy hết các cơ hội của thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các thể chế về chính sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tiếp cận kịp thời hơn để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu