Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch… Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội thảo“Xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới”, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng 28/11, tại Hà Nội.
Theo thông tin mới nhất từ Brand Finance, tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm ngoái) và xếp thứ 42. Trong ba năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Tính đến ngày 1/1/2019, giá trị thương hiệu của Vietnam Airlines đạt 416 triệu USD, tăng 34% cùng kỳ. So với năm 2017, thương hiệu Vietnam Airlines đã tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance. |
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội với các mục tiêu như có hơn 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành và địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.