Gặp nhà khoa học lai tạo giống lúa ST25

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là lần đầu tiên một giống lúa ngắn ngày cải tiến, năng suất cao của Đông Nam Á được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. 

Sau nhiều nỗ lực miệt mài kéo dài hơn 25 năm, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự đã lai tạo thành công, ghi danh giống lúa ST25 của Việt Nam trên bảng xếp hạng gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Gặp gỡ báo giới mới đây, “cha đẻ” của ST25 đã vui vẻ chia sẻ về hành trình kéo dài hơn 2 thập kỷ để đưa gạo Việt lên ngôi vương, cùng những tâm tư, trăn trở về việc làm sao duy trì thành quả này:

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mở đầu cuộc trao đổi, kỹ sư Hồ Quang Cua kể lại hành trình đến với hạt gạo ST25 bắt đầu từ năm 1991. Khi đó, với tư cách một nhà khoa học nông dân, ông và cộng sự quyết tâm khôi phục lại giống lúa ngon trứ danh một thời của Sóc Trăng: “Đến được với danh hiệu gạo ngon nhất thế giới thì chúng tôi đã có một quá trình rất là dài, trên 25 năm. Sóc Trăng là nơi đã xuất gạo ngon đi châu Âu từ những năm đầu thế kỷ 20 và sau này mai một. Ước vọng của chúng tôi là phục hồi lại cái hạt gạo đó”.

Gặp nhà khoa học lai tạo giống lúa ST25 - ảnh 1

Ảnh  minh họa 1: VOV

Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi kéo dài hơn hai thập kỷ rưỡi, tâm sức của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học đã được đền đáp. Theo đó, trong ba năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, giống gạo ST vào top 3 gạo ngon nhất thế giới và đặc biệt là năm 2019 đã được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một giống lúa ngắn ngày cải tiến, năng suất cao của Đông Nam Á được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ: “Chúng tôi và các đồng nghiệp đã rất nỗ lực cải tiến, tự học các kinh nghiệm của những nơi khác. Và đến năm 2017 thì chúng tôi bắt đầu cán đích. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á, có một giống lúa ngắn ngày cải tiến, năng suất cao mà lọt vào tóp gạo ngon nhất thế giới. Những giống lúa 10 lần đạt giải trước đó đều là lúa mùadài ngày, năng suất thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân, không đạt sản lượng lớn để cung cấp cho thị trường”.

Gặp nhà khoa học lai tạo giống lúa ST25 - ảnh 2

Kỹ sư Hồ Quang Cua bên cạnh sản phẩm từ gióng lúa ST25. Ảnh: baogiaothong.vn

Gạo ST25 là loại gạo thon, dài, trắng trong, rất đẹp, ngửi thơm hương dứa, ăn thấy ngon, mềm, có vị ngọt. Ngoài ra, lượng hấp thu nước vào hạt gạo rất thấp so với gạo bình thường. Cha đẻ của gạo ST25 cho biết rất bất ngờ khi người tiêu dùng Việt Nam trong những ngày qua lại có sự chú ý tới sự kiện này lớn đến vậy. Bởi lẽ, lâu nay không ít người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý vọng ngoại, chuộng hàng nước ngoài, đi tìm gạo Campuchia, gạo Thái Lan để ăn. Thế nhưng, sau khi gạo Việt đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, mọi người đã đổ xô tìm kiếm gạo ST25 để mua và thưởng thức: “Điều đó cho thấy rằng người Việt Nam rất có lòng tự hào dân tộc, rất có ý niệm người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam, chứ không phải họ chỉ thích tìm mua gạo của Campuchia, Thái Lan để ăn. Chẳng qua trước đây các nhà khoa học, các doanh nghiệp làm chưa đến nơi đến chốn, chưa được chứng nhận, nên lòng tin người tiêu dùng chưa có”.

Tự hào về thành quả đạt được, song kỹ sư Hồ Quang Cua cũng trăn trở làm sao để duy trì giống gạo ngon truyền lại cho các thế hệ sau. Theo ông, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ. Trách nhiệm giờ đây thuộc về cả xã hội.Trong đó, sự hợp tác, liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp),là cực kỳ quan trọng. Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ: “Chúng tôi, với vai trò là những nhà khoa học, chúng tôicố gắng duy trì phẩm chất hạt giống cho thật tốt để các thế hệ đi sau có thể giữ gìn được thành tựu rất hiếm hoi này. Nhà khoa học như chúng tôi ước mong thì nhiều, nhưng điều kiện lại có hạn. Bởi vậy, cần có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội thì mới hy vọng có thể xây dựng và duy trì thương hiệu gạo tốt cho đất nước”.

Tin tưởng rằng, với tâm huyết và tài năng của mình, kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học sẽ tiếp tục duy trì tốt nguồn giống gạo ST25, cũng như lai tạo thành công nhiều giống gạo ngon mới, khẳng định vị thế gạo nói riêng và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu