Doanh nhân “Yến sào ” Tiền Giang luôn trăn trở con đường phát triển

Nhật Trường
Chia sẻ
(VOV5) - Có chí thì nên, không bao lâu ông Bùi Băng Sơn đã nắm vững kỹ thuật và nhân rộng mô hình dẫn dụ chim yến.

Khác với nhiều doanh nhân khác tại địa phương, ông Bùi Băng Sơn (sinh 1983, ở xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) chọn con đường kinh doanh bằng việc dẫn dụ chim yến và sản xuất các sản phẩm yến sào theo chuỗi liên kết. Mô hình sản xuất, kinh doanh này không dễ nhưng lợi nhuận cao, ít cạnh tranh và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, của người tiêu dùng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:  

Người có duyên với con chim yến

Tại Tiền Giang, ông Bùi Băng Sơn chưa phải là người dẫn dụ đàn chim yến đầu tiên nhưng được đánh giá là người rất thành công với ngành nghề mới, lạ này. Hiện tại, ông là giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn – doanh nghiệp chuyên cung cấp tổ yến và chế biến các sản phẩm yến sào phục vụ cho thị trường trong cả nước được nhiều người biết đến. 

Theo doanh nhân Bùi Băng Sơn, nghề dẫn dụ chim yến đến với ông rất tình cờ, như là "cái duyên thiên định". Trước đây, ông khởi nghiệp với nhiều nghề: nuôi thủy sản, kinh doanh bất động sản...có những lúc thăng trầm do ảnh hưởng của yếu tố thị trường. Năm 2017, ông và người bạn góp vốn mua nhà kho lúa cũ bỏ trống rộng 1.500 mét vuông tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để ương cá giống. Tình cờ, ông phát hiện chim yến vào ở ngày càng nhiều. Từ đó, ông trỗi dậy niềm đam mê nên chịu khó học hỏi nghề dẫn dụ chim yến, các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch tổ yến...từ các hộ đi trước có nhiều kinh nghiệm, và cả đi nước ngoài học nghề này.

Doanh nhân “Yến sào ” Tiền Giang luôn trăn trở con đường phát triển - ảnh 1Dãy nhà nuôi yến của doanh nhân Bùi Băng Sơn

Có chí thì nên, không bao lâu ông Bùi Băng Sơn đã nắm vững kỹ thuật và nhân rộng mô hình dẫn dụ chim yến. Đến nay, doanh nghiệp Trí Sơn đang quản lý trên 20 nhà yến ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre với diện tích khoảng 20.000 mét vuông, cho sản lượng tổ yến thu hoạch mỗi tháng gần 50kg.

Để phát triển mô hình sản xuất yến theo chuỗi giá trị, ông Sơn chủ trương xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tổ yến; liên kết sản xuất và tiêu thụ với trên 100 hộ nuôi chim yến xa gần, thu mua sản phẩm mỗi tháng trên 100 kg yến cho các hộ nuôi.

 Đến nay, công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn đã sản xuất ra hơn 40 sản phẩm từ tổ yến có giá trị như: nước yến tinh chế, yến sấy thăng hoa, hũ yến chưng sẵn, sữa chua, bánh lăng yến, nước yến thảo dược, rượu yến... Ông Bùi Băng Sơn chia sẻ: “Công ty đặt chiến lược là không phát triển nhanh, phát triển bằng nội lực của mình, phải tạo ra sản phẩm chất lượng và uy tín để  tới người tiêu dùng với giá thành cạnh tranh theo chất lượng của nó. Xây dựng các tiêu chuẩn trong nhà máy an toàn vệ sinh, đầu tư máy móc thiết bị và các nguyên liệu vùng nuôi của mình cung ứng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ổn định về chất lượng cũng như an toàn từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng”.

Doanh nhân “Yến sào ” Tiền Giang luôn trăn trở con đường phát triển - ảnh 2Doanh nhân Bùi Băng Sơn với những sản phẩm OCOP

Hướng đến sức khỏe cộng đồng với sản phẩm chất lượng cao

Hiện nay, doanh nghiệp Trí Sơn đã đầu tư xưởng sản xuất với các linh kiện, máy móc hiện đại nhằm gia tăng giá trị của tổ yến như: dây chuyền sản xuất yến hũ với công suất 70.000 hũ/ngày, các sản phẩm tinh chế khác từ tổ yến đều đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP. Doanh nghiệp Trí Sơn hiện nay phát triển theo hướng riêng, chú trọng nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm độc đáo theo chương trình OCOP. Đến nay, có 18 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó có 2 sản phẩm 3 Sao, còn lại là 4 Sao.

Ngoài việc bán sỷ và lẻ tại siêu thị mini của doanh nghiệp, sản phẩm còn được đưa  vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh; mở rộng thêm nhiều đại lý trong nước và hướng đến xuất khẩu. Năm 2022, Doanh nghiệp Trí Sơn đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học về tổ yến cùng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, với mong muốn cho ra thêm những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đến tay người tiêu dùng.

Chị Trần Thị Mỹ Lệ, người dân thành phố Mỹ Tho, một khách hàng thường xuyên nói: “Từ khi có siêu thị yến Trí Sơn tôi rất thường xuyên vào đây mua các sản phẩm chế biến từ tổ yến phục vụ cho gia đình. Tôi thấy sản phẩm bày bán rất độc đáo, ngon bổ và giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện, thu nhập của mỗi người. Tôi rất yên tâm chọn mua hàng của Trí Sơn ”.

Doanh nhân “Yến sào ” Tiền Giang luôn trăn trở con đường phát triển - ảnh 3Ông Bùi Băng Sơn (thứ 2 bên phải) có nhiều tâm huyết với nghề nuôi yến và sản xuất các sản phẩm từ tổ yến

Thật vật, tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến tại vùng ĐBSCL có dinh dưỡng rất cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, doanh nghiệp Trí Sơn bán ra sản lượng tăng 50% so với trước đó, nhất là khách hàng từ các Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đặt hàng nhiều.

Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đạt OCOP có giá trị cao, rất độc đáo, mang tính độc quyền. Doanh nhân Bùi Băng Sơn rất tâm huyết và đã có thành công bước đầu rất đáng ghi nhận:

“Chỗ Sơn rất tiêu biểu từ yến sào đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Doanh nghiệp Trí Sơn đã có 18 sản phẩm đạt O.COP rồi đang thẩm định thêm 5 sản phẩm nữa mà tổng sản phẩm của doanh nghiệp đến 40 sản phẩm từ Yến sào rất tốt, đã mở nhiều kênh, cửa hàng để quảng bá . Đặc biệt là anh Sơn đã có khoảng 30 đại lý có ở khắp các tỉnh, thành, đạt doanh thu hàng tháng trên 3 tỷ đồng. Chỗ doanh nghiệp Trí Sơn làm đàng hoàng, bài bản lắm, hình thành cái chuỗi khép kín, đặc biệt gắn với hàm lượng được bảo trợ về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm là trường đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh ”. - Ông Võ Văn Lập cho biết.

Được biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới dạng yến tinh, yến hóa lỏng, thu nhận dưỡng chất từ tổ yến bằng công nghệ Enzyme. Qua đó đa dạng các sản phẩm từ tổ yến, chú trọng hơn tới thị trường quốc tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động ở địa phương và giải quyết đầu ra cho nhiều người nuôi yến vùng ĐBSCL.

Ông Bùi Băng Sơn cho biết: “Chúng tôi tập trung nghiên cứu và khoa học công nghệ, cho ra các sản phẩm làm sao mà tối ưu hóa các chất dinh dưỡng, các chất trong tổ yến cho sức khỏe người tiêu dùng nhiều nhất. Ứng dụng các công nghệ đó, đưa vô các sản phẩm để tạo ra sản phẩm khác biệt có lợi nhất cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó xúc tiến các chương trình thương mại trong nước và xuất khẩu. "

Trăn trở với nghề, ông Sơn cũng mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm hơn đối với nghề nuôi chim yến, xem đây là một nghề chăn nuôi thật sự với những chính sách bảo hộ, cấp giấy phép nhà yến....tạo cơ hội cho ngành nghề khá đặc thù này có bước phát triển mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu