Doanh nghiệp thích ứng để phát triển trong giai đoạn “hậu Covid-19”

Chia sẻ
(VOV5) - Cùng việc thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và những kết quả khả quan của nền kinh tế đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc cho phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm... 

Doanh nghiệp thích ứng để phát triển trong giai đoạn “hậu Covid-19” - ảnh 1 Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Tài chính

Tác động của đại dịch Covid-19 đến Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

Báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nghiệm vụ, giải pháp trọng tậm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: "Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển Kinh tế xã hội sau dịch. Xuất khẩu 4 tháng duy trì đà tăng với 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; xuất siêu gần 3 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới."

Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới của Việt Nam không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân mà còn cho đất nước vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Ngay trong thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã sớm thích nghi và vươn lên mạnh mẽ, trong giai đoạn mới. 

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam 5 tháng qua rất linh hoạt và sắc sảo: "Đầu tiên thấy rõ là chuyển đổi sản phẩm theo hai nghĩa, 1 là họ thêm giá trị cho sản phẩm, thêm những giải pháp kèm theo sản phẩm, thêm những tương tác với thị trường, với đối tác. Mà tương tác này là tức thời, ví dụ hàng không thì người sang hàng, ví dụ như may mặc, áo sang đồ y tế, ví dụ như đồ ăn thiết yếu thì họ tạo ra những giá trị xanh hơn.

Những giải pháp truyền thống đi kèm tương tác với khách hàng. Nhóm thứ hai cố gắng nỗ lực thay đổi, đó là mô hình kinh doanh. Một là ứng dụng rất là mạnh công nghệ số, ví dụ như là bán hàng qua mạng, thay đổi cung cách quản trị, tương tác nội bộ; ví dụ như là việc thiết lập ra những cái tổ phản ứng nhanh, nó giống như cách làm Ban chỉ đạo của Chính phủ, Nhanh – như là thời chiến. Trước tình hình khó khăn, thấy rõ là họ nỗ lực hết sức."

Cùng với sự đồng hành của Chính phủ trong công tác điều hành chủ động, linh hoạt của chính sách giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất... doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội phát triển. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: "Rất nhiều doanh nghiệp không chỉ là thích ứng để cầm cự, để tồn tại, thế mà họ còn có ý chí vươn lên với một khát vọng, tầm nhìn tốt hơn. Ngay bây giờ cách thích ứng của họ nó đã gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp: thị trường với cách thức quản trị, phương thức quản trị, quản lý rồi, để chuẩn bị cho một giai đoạn mới mà người ta đang hay nói là sau dịch hay hậu dịch."

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục cung ứng vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn cho doanh nghiệp; Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không…; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh; hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường xuất khẩu. Ngoài ra, Chính phủ sẽ bám sát tình hình để có những phương án hỗ trợ, kích thích kinh tế cho giai đoạn phục hồi và phát triển của doanh nghiệp

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu