Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khan thì thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu dân, được xem là mảnh đất tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, tháng 4 năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt hơn 10 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ ngoái.
Ảnh minh họa VOV |
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Ông Bùi Đức Thắng, Trưởng phòng marketing Tổng công ty May 10 cho biết: "Trong quá trình chúng tôi mở cửa thì một tín hiệu rất tốt là người tiêu dùng rất phấn khởi, người tiêu dùng được thoả sức đi mua sắm. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị các đơn hàng để chuẩn bị cho ngày mở cửa và đáp ứng đầy đủ tất cả các sản phẩm thời trang công sở của May 10, cho đến nay, doanh thu bắt đầu tăng dần, dần dần đưa về nhịp độ như ban đầu."
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho rằng, thị trường nội địa là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp: "Trong thời gian dịch như thế thì thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn thì hệ thống cửa hàng thực phẩm ở cửa hàng tiện ích của Hapro đã được sửa chữa và cải tạo hơn 19 địa điểm các phố trong nội thành và trong kế hoạch sắp tới để phục vụ tốt hơn cho người dân, tập đoàn cũng đang có chủ trương, từ nay đến cuối năm sẽ chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo, mở cửa thêm khoảng 100 cửa hàng."