Tác động của Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, lượng khách và doanh thu giảm sút. Nhưng ngay khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, các doanh nghiệp và ngành chức năng các địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi, tái cơ cấu lại thị trường du lịch thời kỳ hậu Covid-19 bằng nhiều biện pháp.
Ảnh minh họa
|
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở du lịch thành phố tham mưu các cơ quan cấp trên đề ra những nhóm giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như: Giãn thuế, lùi thời hạn trả bảo hiểm xã hội, phát thành voucher du lịch, hoàn thành Cẩm nang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy triển khai liên kết sản phẩm vùng.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Sở du lịch TPHCM cho biết: "Trong kế hoạch kích cầu du lịch thì TPHCM thực hiện song song với chương trình quảng bá truyền thông. Bắt đầu từ chiến dịch “Bánh mì Sài Gòn”, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Google để truyền thông trên 11 quốc gia. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ có chương trình quảng bá vói tên gọi “Hello, Hochiminh City” trong đó sẽ giới thiệu hình ảnh TPHCM trong thời điểm hiện tại, an toàn, sống động và luôn cởi mở để chào đón du khách".
Tại miền Trung, tỉnh Quảng Bình đã quyết định giảm giá các sản phẩm du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp giảm giá vé 1 số điểm tham quan nhằm kích cầu hoạt động du lịch.
Tương tự, từ nay cho đến cuối năm, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều đợt kích cầu, giảm sâu giá vé tham quan các điểm di tích nhằm thu hút khách du lịch đến với cố đô. Cụ thể, giảm một nửa giá vé tham quan di tích Huế trong 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay để thu hút lượng khách đến Huế. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng phương án kích cầu để thu hút lại lượng khách du lịch. Trước mắt, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ họp để thông qua chính sách giảm phí tham quan trong vòng khoảng 3 tháng. Đây là điều kiện tốt để các đơn vị lữ hành có thể bắt đầu khởi động lại, xây dựng tour, tuyến, thu hút lại lượng khách, tập trung vào kích cầu lượng khách nội địa".
Để chủ động thu hút khách trong thời gian tới, ngoài việc triển khai đảm bảo điểm đến an toàn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức hội nghị lữ hành toàn quốc để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương.
Cuối tháng 4, khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và mới đây nhất là gỡ bỏ giãn cách trên máy bay, tàu, xe và phương tiện công cộng, thì du lịch Việt Nam bước đầu đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Đó là lượng khách tham quan tại các điểm đến gia tăng. Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này chính là cơ hội vàng để du lịch Việt tái cơ cấu thị trường nội địa. Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ từ chính quyền sẽ giúp ngành du lịch Việt tự tin tái khởi động và lấy lại đà tăng tốc trong thời gian tới.