Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang bị ảnh hưởng trực tiếp, có nguy cơ thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Trước những khó khăn này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết với các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp… Nhiều loại thuế của doanh nghiệp sẽ được gia hạn, chậm nộp trong 5 tháng với tổng số tiền thuế được giãn nộp ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng. Thông tin này được doanh nghiệp tích cực đón nhận và đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Giám đốc Công ty TNHH GMB Việt Nam nhận xét:
Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên từ đầu năm đến nay chúng tôi cũng chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Việc giãn thuế cho doanh nghiệp theo chủ trương của Thủ tướng sẽ giúp cho chúng tôi có thêm thời gian xoay sở và duy trì hoạt động cho đến khi tình hình dịch có dấu hiệu khả quan hơn
Cùng quan điểm, bà Trần Thanh Hương, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc Quang cho biết:Chúng tôi rất mừng là Chính phủ sáng suốt và kịp thời có những quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ đạo rõ các bộ ban ngành cùng nhau thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong các bộ ban ngành sớm thống nhất để đưa ra những hướng dẫn cụ thể và thực hiện nhanh nhất các nghị quyết của chính phủ để doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn khó khăn này.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra hôm 10/4, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí logistics, hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện chủ trương của Chính phủ đã có, điều quan trọng giờ đây là cần sớm đi vào triển khai, tạo tấm lá chắn vững vàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.