Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên sân nhà

Chung Thủy
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện nay, làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài đang theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu đang tạo áp lực lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam. Trước  xu thế hội nhập này, Chính phủ Việt Nam đang đề ra chiến lược phát triển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh, khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường.

(VOV5) - Hiện nay, làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài đang theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu đang tạo áp lực lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam. Trước  xu thế hội nhập này, Chính phủ Việt Nam đang đề ra chiến lược phát triển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh, khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên sân nhà - ảnh 1
Ảnh:laodong.com.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Mới đây, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam. Với thương vụ này, đến nay Tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đã chiếm lĩnh gần 70% thị trường bán lẻ của Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ khác của Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh, liên kết cũng đã mua từ 20-40% cổ phần của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Nguyễn Kim và Trần Anh, Fivimart hay Citimart.  Sự đổ bộ và thâm nhập mạnh mẽ của các Tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thông qua các thương vụ mua- bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn ngay tại Việt Nam đang tạo ra áp lực lớn đối với các  doanh nghiệp bán lẻ trong nước khi phải trực tiếp đối đầu và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngay trên sân nhà. Điển hình như: Sài Gòn Coop một doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt nam muốn mua lại Big C nhưng lại gặp trở ngại lớn khi phải trải qua rất nhiều quy trình xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài, cũng như thủ tục huy động nguồn tài chính để phát triển doanh nghiệp. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op kiến nghị: “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nhanh chóng xây dựng chiến lược Quốc gia phát triển ngành bán lẻ Việt Nam tầm nhìn đến 2030. Xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của  Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Chính phủ tháo gỡ nhìn khó khăn cho doanh nghiệp trong mua bán và sáp nhập”.

Tuy nhiên, sự đổ bộ của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt nhìn lại, tự thay đổi để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Nguyễn Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Hệ thống phân phối  Điện máy Thiên Hòa, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tái đầu tư lại hệ thống nhận diện thương hiệu. Cùng với đó, chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư mới siêu thị điện máy hiện đại nhất ở Việt Nam để tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư”.

Không chỉ các nhà bán lẻ đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ mà ngay cả các nhà sản xuất cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh để hàng hóa mình vào được các kênh phân phối của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.  Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn  Food, cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư đổi mới liên tục các sản phẩm. Không ai hiểu được khẩu vị của người Việt Nam bằng người Việt, chúng tôi sẽ tận dụng những lợi thế đó đưa ra sản phẩm phù hợp giá cả cạnh tranh để đứng vững trên thị trường”.

Đứng trước xu thế hội nhập với sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ hành đầu thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự thân vận động, đề ra chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh mới. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng: “Càng mở cửa thị trường thì các doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp phải làm cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta sẵn có”.

Khi hội nhập có khoảng 10 ngàn loại hàng hóa tiêu dùng sẽ được miễn, giảm thuế quan khi vào thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực. Khi đó, hàng hóa của nước ngoài sẽ cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa Việt Nam. Tự đổi mới, đẩy mạnh liên doanh liên kết, nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ sẽ là hướng đi đúng giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà .

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu