Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: những con số ấn tượng

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Dự báo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 của Việt Nam có thể sẽ đạt đến con số 30 tỷ đôla Mỹ và nguồn vốn giải ngân sẽ đạt khoảng 18 tỷ đôla Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng kể từ tháng 1/2017 đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn giải ngân trong thời gian này cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những con số biết nói về việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tại thời điểm này.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: những con số ấn tượng - ảnh 1

9 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới 25,48 tỷ USD (nguồn Internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tính chung trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 25,48 tỷ USD. Con số này tăng cao hơn 1,108 tỷ USD so với kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của cả năm 2016.

Số vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam nhiều năm qua và đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy Việt Nam là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài vì triển vọng kinh tế tích cực hơn một số nước trong khu vực. Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn do Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam triển Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nhiều điểm mới, khác biệt, bắt nguồn từ chính yêu cầu của Chính phủ và những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn từ phía các địa phương.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cho biết: "Bình Dương liên tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhà đầu tư. Trước hết là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai là tạo sự thân thiện của cán bộ công chức đối với người dân và doanh nghiệp".

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: những con số ấn tượng - ảnh 2

Trong năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của FDI (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt Hiệp định thương mại tư do song phương và đa phương cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ thông qua hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực FDI. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập khẩu của khu vực này trong cùng thời gian trên đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 60,3% kim ngạch nhập khẩu.Tính chung 9 tháng năm 2017, khu vực FDI xuất siêu 17,63 tỷ USD. Ông Michael, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khẳng định Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam có khả năng trở thành hiệp định dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm nay và sau này. Hiệp định cũng là một trong những tiền đề khiến Việt Nam trở thành điểm kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á đối với các doanh nghiệp châu Âu.

Hiện 25,48 tỷ USD nguồn vốn của các nhà đầu tư từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài đã rải vốn đầu tư vào 18 ngành/ lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.Việc thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang chuyển từ lượng sang chất. Nghĩa là các địa phương coi trọng chất lượng nguồn vốn FDI hơn số lượng vốn, việc giải ngân các dự án quan trọng hơn con số đăng ký của doanh nghiệp. Ông Mai Văn Nhơn, Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: "Dự án tốt cho nhà nước là dự án phải có đóng góp về thuế cho ngân sách. Dự án tốt cho xã hội thì phải có tính lan tỏa về mặt công nghệ, phải tạo được việc làm và nâng cao được tay nghề, trình độ, hiểu biết cho người lao động. Cuối cùng dĩ nhiên là phải tốt cho chủ đầu tư".

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 của Việt Nam có thể sẽ đạt đến con số 30 tỷ đôla Mỹ và nguồn vốn giải ngân sẽ đạt khoảng 18 tỷ đôla Mỹ. Chính sách mở cửa trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết đã tạo nên kết quả ấn tượng này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu