Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Santiago de Chile mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, nhưng đây vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, dự kiến sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho các nước tham gia.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), CPTPP dù không còn Mỹ nhưng những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên. Do đó, ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao. Ngoài ra, Hiệp định còn là cơ hội để Việt Nam khai thác các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.... Đặc biệt, với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân... giúp xóa đói giảm nghèo.
Ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương. - Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Trong lĩnh vực xuất khẩu, với thị trường 500 triệu dân của nhiều nước CPTPP có quy mô kinh tế tương đối lớn thì lợi ích đối với Việt Nam khá rõ rệt. Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như: dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước.
Ông Lương Hoàng Hải cho rằng việc Việt Nam tham gia CPTPP mang lại lợi ích gián tiếp cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Dẫn chứng là theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP trực tiếp giúp Việt Nam tăng trưởng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP. Đó là chưa kể, khi triển khai hiệu quả, hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan.