Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Hà Nam

PV
Chia sẻ
(VOV5) - Từ những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Xác định chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong đó, tháng 12/2020 đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm đầu triển khai Kế hoạch đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan quản lý, điều hành, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tại Hà Nam.
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Hà Nam - ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đại diện Tập đoàn VNPT nhấn nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh ngày 26/3/2020 - Ảnh: Báo Đầu tư

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Hà Nam xác định các mục tiêu cơ bản về phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%..

Trong năm đầu thực hiện Kế hoạch (năm 2021), dù điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ quyết tâm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Nam đã được từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển Chính quyền số. Theo đó, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã đã triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cập nhật đầy đủ hơn 2.000 bộ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi cần tra cứu thông tin, thủ tục có liên quan.

Các cơ quan chuyên môn cũng đã tích hợp, kiểm thử 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước (từ cấp huyện trở lên) sử dụng chữ ký số của cơ quan, chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử. Nhiều xã, phường, thị trấn đã sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử. 

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Hà Nam - ảnh 2Trung tâm điều khiển từ xa của Công ty Điện lực Hà Nam - Ảnh: Báo Công thương

Về phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp đã cơ bản triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh như: xây dựng Trang thông tin điện tử, sử dụng thư điện tử và một số doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán và ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử. Tình hình hoạt động mạng lưới bưu chính, viễn thông ổn định; chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chuyển đổi số tại Hà Nam cũng đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế Hà Nam quản lý đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh, công tác khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, cơ sở y tế xã, phường, thị trấn. Ngành giáo dục tỉnh cũng đã triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai được tập trung xây dựng mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành, đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ, cũng như cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, chuyển đối số đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực đón nhận, hưởng ứng, ủng hộ, thể hiện qua việc ngày càng nhiều doanh nghiệp và người dân sử dụng các dịch vụ thành quả của chuyển đổi số như dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng công nghệ do các cơ quan nhà nước triển khai; các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử để kết nối quảng bá,mở rộng tiêu thụ sản phẩm…. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức chuyển đổi số là xu thế tất yếu phải triển khai.

Tỉnh Hà Nam hiện xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố về Chính quyền số, xếp thứ 40 về Kinh tế số và xếp thứ 23 về Xã hội số.

Từ những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trước mắt là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Cùng với đó, triển khai thêm một số phân hệ của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh; ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng số, nền tảng số, hoàn thiện thể chế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và tăng cường tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu