Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số - nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch với mục tiêu tổng quát gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về khả năng mua-bán trực tuyến; xây dựng “thương trường ảo” lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam và gia tăng giao thương trực tuyến xuyên biên giới…
Để đạt được mục tiêu, bản kế hoạch cũng nêu ra 6 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong bối cảnh kinh tế mới; Nâng cao năng lực quản lý; Đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trên môi trường này; Củng cố lòng tin của người tiêu dùng trong nước hay thúc đẩy giao thương trực tuyến xuyên biên giới ...