Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của nhà đầu tư là yêu cầu, sức ép để Chính phủ đổi mới hơn nữa. 

Sáng nay 4/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức nhằm tạo kênh đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các mục tiêu, chiến lược phát triển của đất nước.

Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu - ảnh 1 Toàn cảnh VBF 2018. Ảnh: VOV

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của nhà đầu tư là yêu cầu, sức ép để Chính phủ đổi mới hơn nữa. Nhấn mạnh đến những kết quả cải cách mạnh mẽ của Việt Nam, Thủ tướng cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới năm nay được dự báo không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, Việt Nam vẫn tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực: Với chủ đề của Diễn đàn lần này là Sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu, tôi cho rằng chúng ta cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích. Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam. Những thành quả kinh tế của Việt Nam gắn liền với tự do hóa kinh tế, các dòng chảy thương mại và hội nhập kinh tế. Việt Nam xem hội nhập là động lực và phương tiện thúc đẩy cải cách, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư từ ngày 14/1/2019, cánh cửa của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP sẽ mở ra cho các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam đi các nước đã phê chuẩn Hiệp định này. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu