Bừng sáng những ước mơ

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Các giải pháp của các nhà khoa học trẻ Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sinh hoạt, sản xuất mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và góp phần phát triển bền vững môi trường.

Từ chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ, nhiều người trẻ tiến hành nghiên cứu, đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, truyền tải và sử dụng điện, mang lại lợi ích cho cộng đồng và giảm gánh nặng thiếu hụt năng lượng cho xã hội.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Tháng 8 vừa qua, ba GS trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Tú, Đinh Ngọc Thắng, Vũ Văn Tuyên nhận giải thưởng hơn 600.000 đô la Mỹ từ Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ lượng tử vào vận hành hệ thống lưới điện thông minh.

Bừng sáng những ước mơ - ảnh 1Từ trái sang phải: Ba giáo sư Vũ Văn Tuyên, Nguyễn Ngọc Tú, Đinh Ngọc Thắng. 

Theo chia sẻ của GS Vũ Văn Tuyên ở Đại học Clarkson, các hệ thống lưới điện bao gồm nhiều cầu dao và thiết bị đo mức tiêu thụ điện tự động tránh thất thoát, gian lận điện năng nhưng khiến việc quản lý, điều hành phức tạp, rủi ro cao khi vận hành. Do vậy, các nhóm đã “bắt tay” tìm lời giải cho bài toán an ninh, an toàn cho lưới điện thông minh, số hóa hệ thống điều khiển từ ứng dụng công nghệ lượng tử.

Sắp tới, nhóm sẽ có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh để chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn về lượng tử, điện thông minh. Đây là hoạt động thiết thực của đội ngũ trí thức người Việt tại nước ngoài nhằm đóng góp cho nền khoa học nước nhà.
Bừng sáng những ước mơ - ảnh 2So sánh sản lượng điện tiêu dùng ở tháng hiện tại so với tháng trước và năm trước. Nguồn ảnh: Công ty MTV điện lực Đà Nẵng.

Còn ở trong nước, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các chuyên gia, kỹ sư ngành điện cũng miệt mài mày mò, nghiên cứu để cho ra đời những đề tài, dự án làm lợi cho cộng đồng. Tại công ty MTV điện lực Đà Nẵng, sau khi hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa, nhận thấy khách hàng có nhu cầu chủ động theo dõi được chỉ số điện sử dụng hàng ngày, nhóm chuyên gia tiến hành xây dựng hệ thống tra cứu chỉ số công tơ và chủ động cảnh báo sản lượng điện bất thường. Từ khi đưa vào sử dụng, khách hàng tự chủ và kiểm soát được việc sử dụng điện trong gia đình của mình. Như lời chuyên viên Nguyễn Thảo Nguyên: “Qua theo dõi hệ thống tra cứu chỉ số điện, khách hàng hoàn toàn kiểm soát được sản lượng điện sử dụng hàng ngày của mình, có sự so sánh đối chiếu với sản lượng điện sử dụng kỳ trước, năm trước. Từ đó có sự điều chỉnh hành vi sử dụng điện. Việc chủ động kiểm soát được lượng điện tiêu thụ hằng ngày giúp khách hàng nâng cao được ý thức tiết kiệm điện bằng cách điều tiết được việc sử dụng điện hằng ngày và sau đó theo dõi kết quả trên hệ thống. và tiếp tục có sự điều chỉnh để ngày càng hiệu quả và tiết kiệm hơn. Nhờ đó, ý thức sử dụng điện của khách hàng ngày được nâng cao”.

Bừng sáng những ước mơ - ảnh 3Anh Nguyễn Thảo Nguyên (thứ hai từ phải sang), đại diện nhóm tác giả nhận giải thưởng trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố lần thứ 16; Giải thưởng sáng tạo KH&CN do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

"Hệ thống này còn phát hiện được các khách hàng có sản lượng điện sử dụng tăng cao đột biến trên 30% và tự động gửi email thông báo tới khách hàng: “Các biện pháp cảnh báo giúp khách hàng biết được tình hình sử dụng điện khi sản lượng điện tăng cao bất thường từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu được số tiền và sản lượng điện trong trường hợp do chạm, chập, rò rỉ điện”. - anh Nguyễn Thảo Nguyên cho biết thêm.

Bừng sáng những ước mơ - ảnh 4Biểu đồ so sánh trực quan từng tháng, từng năm cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguồn ảnh: Công ty MTV điện lực Đà Nẵng.

Cho đến nay, Tổng Công ty điện lực miền Trung thực hiện tích hợp ý tưởng “Hệ thống tra cứu chỉ số đo xa và cảnh báo bất thường” vào hệ thống chăm sóc khách hàng và triển khai tại toàn bộ 13 Công ty điện lực tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dịch vụ khách hàng.

Bừng sáng những ước mơ - ảnh 5Thạc sĩ Phan Văn Hiệp (bìa phải) đứng trước thiết bị sấy tôm khô và các loại hải sản tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình do anh sáng chế và thiết kế.

Từ nhận thức tiết kiệm điện là làm lợi cho chính mình, cho xã hội và góp phần bảo vệ môi trường; nhận thấy Việt Nam là nước nhiệt đới, được thiên nhiên ban tặng cho nguồn năng lượng mặt trời dồi dào quanh năm, thạc sĩ Phan Văn Hiệp, giảng viên Trường Đại học Văn Hiến, Thành phố Hồ Chí Minh, đã nghiên cứu chế tạo thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời để chế biến sản phẩm sau thu hoạch cho bà con nông dân cũng như nhiều sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khác nhau.

Bừng sáng những ước mơ - ảnh 6Hình ảnh sấy thủy sản tại Phước Tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thiết bị này còn được người dân gọi là “máy sấy đa năng” hay “máy sấy vạn năng” bởi có thể sấy đa dạng các sản phẩm nông nghiệp từ thủy, hải sản, nông sản, trái cây, dược liệu, thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.... “Một phép so sánh một cách tương đối. Nếu vận hành hệ thống thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời của chúng tôi sáng chế thì trong điều kiện có nắng, với cùng một công suất sấy sản phẩm thì thiết bị của chúng tôi có thể tiết kiệm lên tới 80% điện năng so với thiết bị sấy bơm nhiệt bằng điện” - Anh Phan Văn Hiệp cho biết.

Điều đặc biệt, thiết bị sấy này không sử dụng pin năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng mà sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để gia nhiệt buồng sấy thông qua sáng chế “bẫy nhiệt mặt trời” và sử dụng vật liệu lấy sáng là tấm polycarbonate đặc ruột cho ánh sáng mặt trời xuyên thấu 95%: “Ưu điểm đầu tiên là tiết kiệm năng lượng. Để sấy được là khoảng 500 kg cá nguyên liệu đầu vào cá một nắng, ví dụ như cá dứa ở Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Đước, Long An, sấy trong vòng 4 tiếng đồng hồ, điện năng tiêu thụ chỉ tốn tương đương khoảng 10 kw giờ điện. Tức là chi phí điện năng tầm khoảng 20.000 đồng cho 500 kg cá dứa thành phẩm. 1 kg sản phẩm cá dứa chỉ tốn 40 đồng, gần như bằng không. Chi phí vận hành cực thấp. Ngoài ra, thiết bị sử dụng công nghệ đèn cực tím dải C để tạo ra khí ô zôn giúp khử dòng vi sinh phổ biến trên thủy sản, thực phẩm và các dòng nấm mốc ký sinh trên các loại trái cây, rau, củ, quả”.
Bừng sáng những ước mơ - ảnh 7Một sản phẩm sấy bằng công nghệ và thiết bị sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời.
Bừng sáng những ước mơ - ảnh 8

Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS Phan Văn Hiệp tự hào đây là thiết bị hoàn toàn Made in Việt Nam do anh sáng chế ra và đã đăng ký sáng chế sản phẩm độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ. Sau gần 4 năm, thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời của anh có mặt từ địa đầu Móng Cái, Quảng Ninh đến Mũi Cà Mau của Tổ quốc. Chị Huỳnh Thị Tú Thuyết, Giám đốc công ty Aquaponics Tomochan, có nông trại chuyên nuôi thủy sản và trồng rau hữu cơ theo công nghệ Aquaponics ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, cho biết: “Với công nghệ sấy động vô trùng, sử dụng năng lượng mặt trời của thạc sĩ Phan Văn Hiệp, công ty chúng tôi tạo ra dòng sản phẩm độc đáo. Đó là lươn một nắng Aquaponics vị thảo mộc. Sản phẩm lươn nuôi theo công nghệ Aquaponics tại nông trại, sau đó sơ chế sạch sẽ, phi lê, ướp thảo mộc và cho vào giàn sấy. Thành quả khiến cho tôi vô cùng hài lòng. Những miếng lươn sau khi sấy giữ màu sắc đẹp tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, vị thơm ngon, chắc thịt. Thêm một ưu điểm nữa của công nghệ sấy động vô trùng đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Qua công nghệ sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp với tách ẩm không khí ngõ vào, khử vi sinh và nấm mốc bằng công nghệ đèn cực tím dải C, chất lượng sản phẩm sấy đã đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà con người Việt ở Myamar, Campuchia, Australia đã đặt hàng để sấy tôm, cá, trái cây.

Nguồn năng lượng không phải là bất tận. Việt Nam đã chuyển từ nước xuất siêu về năng lượng sang nhập siêu từ năm 2015. Do đó, các giải pháp của các nhà khoa học trẻ Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sinh hoạt, sản xuất mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và góp phần phát triển bền vững môi trường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu