Châu Âu tăng cường tiết kiệm năng lượng & kinh nghiệm cho Việt Nam

Nguyên Long
Chia sẻ
(VOV5) - Đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng được một mạng lưới giao thông công cộng phát triển, để từ đó góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Khủng hoảng năng lượng đã khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao liên tục thời gian qua. Các quốc gia châu Âu đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung cùng “bão giá năng lượng”, kể cả thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu dùng gắn với tiết kiệm triệt để trong bối cảnh mùa đông đang đến gần. Để chủ động nguồn cung năng lượng và giảm áp lực lạm phát vì giá năng lượng cao, Đức đang nghiên cứu thúc đẩy sử dụng hydro như nguồn thay thế năng lượng nhập khẩu, hay nhiều người dân ở Hy Lạp đã bắt đầu tích trữ củi để sưởi ấm…

Uỷ ban châu Âu thậm chí còn tính tới việc áp đặt biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc với tất cả các nước thành viên EU… Châu Âu tăng cường tiết kiệm năng lượng & kinh nghiệm cho Việt Nam là chia sẻ của chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

    Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:           

 
Châu Âu tăng cường tiết kiệm năng lượng & kinh nghiệm cho Việt Nam - ảnh 1PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

PV: Thưa ông, khủng hoảng năng lượng đã dẫn đến một loạt nước ở châu Âu phải đưa ra các chính sách tiết kiệm và thậm chí là hạn chế mức tiêu dùng năng lượng. Dưới góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận như thế nào về các biện pháp này?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chúng ta thấy rằng việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một loạt các yêu cầu về tiết kiệm nhiên liệu thì nó đang nói với chúng ta một điều là khủng hoảng năng lượng nó có hai mặt. Một mặt nó đang làm cho EU gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả tăng cao và không đủ nguồn nhiên liệu để phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống, và vì thế cho nên phải đưa ra việc tiết kiệm một cách rất gắt gao. Nhưng ở mặt tích cực thì chúng ta thấy rằng đây lại là cơ hội để Liên minh châu Âu có thể sử dụng nguyên liệu và năng lượng một cách tiết kiệm nhất, với hiệu quả kinh tế cao nhất, và tìm kiếm những nguồn thay thế để đảm bảo việc thực hiện xanh hơn, sạch hơn, đảm bảo an toàn môi trường.

Rõ ràng trong điều kiện mà chúng ta đang tăng trưởng và phát triển nền kinh tế xanh thì đây trở thành một trong những động lực thúc đẩy các quốc gia của EU nói riêng cũng như của cộng đồng quốc tế nói chung trong việc sử dụng tieết kiệm nguyên nhiên vật liệu và những nguồn năng lượng không thể tái tạo. Và rõ ràng đây lại trở thành một trong những điều có thể coi như là cái may mắn, thuận lợi, giúp cho quá trình và tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu tốt hơn.

PV: Việt Nam đã phải nhập khẩu năng lượng, vậy chúng ta phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là việc sử dụng, tiêu dùng năng lượng của chúng ta đang còn khá lãng phí?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế chúng ta là một trong những quốc gia phát triển rất nhanh về phương tiện công cộng, đặc biệt là xe máy. Và rõ ràng là việc tiêu tốn năng lượng và lãng phí năng lượng nó xảy ra một cách đại trà. Vì thế, cho nên yêu cầu về sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc đối với không chỉ sản xuất kinh doanh mà trong đời sống xã hội tiêu dùng là cực kỳ lớn. Vì thế cho nên việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường cũng như là đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân trở thành một trong những vấn đề cần được các cơ quan truyền thông cũng như Chính phủ quan tâm, để từ đó góp phần tiết kiệm nhiên liệu, phát triển giao thông công cộng, và đặc biệt là chúng ta cũng phát triển được nếp sống văn minh đô thị, để từ đó góp phần đảm bảo môi trường xanh, sạch và an toàn cho cuộc sống trong tương lai của chúng ta.

PV: Thưa ông, từ kinh nghiệm của các nước và từ thực tế của Việt Nam thì theo ông đâu là những giải pháp để giúp chúng ta có thể tiết kiệm các nguồn nhiên liệu, đặc biệt đối với xăng dầu trong bối cảnh hiện nay?

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Hầu hết các quốc gia trên thế giới trong thời gian vừa qua khi có việc tăng đột biến giá xăng dầu thì họ đều đi theo thị trường, và họ đều có những điều tiết với một số ngành nghề một số lĩnh vực. Và ngay cả Mỹ chẳng hạn thì giá xăng dầu cũng có giá cao nhất trong 40 năm vừa qua, nhưng nhà nước Mỹ cũng đã có những cách điều tiết, để từ đó giảm thiểu các chi phí xăng dầu cho một số đối tượng nào đó. Và như vậy là khi giá cao thì nó cũng buộc người ta phải sử dụng tiết kiệm chi phí xăng dầu, đấy là điều kiện đầu tiên mà chúng tôi muốn nói tới.

Điều thứ hai là để tiết kiệm chi phí xăng dầu này thì rõ ràng là từ phía Chính phủ cần phải có những biện pháp về việc kiểm tra, giám sát các phương tiện sử dụng xăng dầu để giảm thiểu việc tiêu tốn quá mức năng lượng cũng như phát thải quá mức vào môi trường, để từ đó đảm bảo hiệu quả của quá trình sử dụng.

Thực tế hiện nay chúng ta cũng đã có đánh nhiều loại thuế liên quan đến xăng dầu vào việc bảo vệ môi trường, nhưng so với các quốc gia phát triển thì chúng ta vẫn còn quá ít, và đặc biệt là thuế đối với khí thải thì gần như chúng ta chưa tính đến một cách đầy đủ. Và vì như vậy, cho nên các phương tiện công cụ cũ, các máy móc thiết bị cũ vẫn được rất nhiều các doanh nghiệp và người dân sử dụng, mà như vậy thì việc tiêu tốn lượng nguyên liệu gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với những phương tiện mới sản xuất trong thời gian gần đây, và đặc biệt là những cái phát thải ra môi trường thì cực kỳ lớn. Cho nên việc kiểm tra chất lượng và hiệu quả, công suất của các phương tiện máy móc, thiết bị sử dụng các loại nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu cũng là một trong những giải pháp giúp cho quá trình tiết kiệm.

Điều thứ 3 chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng được một mạng lưới giao thông công cộng phát triển, để từ đó góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, đó sẽ là một trong những biện pháp tiết kiệm rất nhiều năng lượng và đảm bảo an toàn về môi trường trong thời gian tới đây.

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu