Bình Dương: Tầm nhìn và cơ hội phát triển

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mục tiêu dài hạn trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học, tạo nền tảng vươn tầm cho các thời kỳ tiếp theo.
Bình Dương: Tầm nhìn và cơ hội phát triển - ảnh 1Một góc thành phố Bình Dương. Ảnh: VOV

Nhìn lại 25 năm qua, kể từ khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa.  Từ một tỉnh thuần nông trở thành một địa phương phát triển nhanh chóng về công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Bình Dương hiện là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 4 nghìn dự án đầu tư từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ USD.

Với chủ trương "trải chiếu hoa đón nhà đầu tư" cùng sự quyết đoán, đồng hành với doanh nghiệp, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương phát triển lớn mạnh ở cả ba mô hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ: Bình Dương rất có lợi thế trong việc liên kết, tạo lợi thế của vùng thành lực đẩy cho mình để phát triển trong tương lai.

Ông Hirata Shuji, Phó Tổng Giám đốc Becamex Tokyu, bày tỏ: "Chúng tôi thấy được tiềm năng của thành phố mới Bình Dương nên đã quyết định đến và đầu tư tại đây."

Bình Dương: Tầm nhìn và cơ hội phát triển - ảnh 2Khu công nghiệp VSIP I tại Bình Dương. Ảnh: Becamex

Các chính sách và giải pháp vượt trội của Bình Dương đã làm nên sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh trong 25 qua. Trong giai đoạn tới, lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định phải tạo ra nấc thang phát triển mới thông qua tầm nhìn quy hoạch từ nay đến năm 2030 và đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương phải phát triển xanh, phát triển thông minh và phát triển bền vững. Bình Dương phải tập trung các nguồn lực để xây dựng các hạ tầng hiện đại.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cho biết: "Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng để kết nối vùng với các địa phương trong vùng một kinh tế trọng điểm phía Nam như các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu 1 – Chơn Thành, các tuyến đường mở rộng tuyến đường Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước Tân Vạn, các tuyến đường cảng và các tuyến đường sông cũng như nghiên cứu xây dựng các dự án đường sắt để kết nối Bình Dương với cảng Cái Mép Thị Vải, các tuyến xe buýt nối tuyến metro về thành phố mới Bình Dương.

Bình Dương cũng đang xây dựng "thành phố thông minh" với mục tiêu thu hút được các lĩnh vực đầu tư công nghệ cao, có hàm lượng chất xám, mang lại giá trị gia tăng và lợi ích cho doanh nghiệp, người dân nhiều hơn. Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết: "Thành phố thông minh Bình Dương được định nghĩa như 1 hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó mọi thành tố liên tục được đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Thành phố thông minh còn là giải pháp ưu việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân."

Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2030 tại Bình Dương đã có những kết quả ban đầu. Tỉnh đã đưa vào hoạt động khu Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. Cùng với đó triển khai hệ thống thông tin địa lý GIS; đang triển khai dự án khu công nghiệp khoa học, công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình làng thông minh...

Đặc biệt, tháng 4-2022, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều hành thành phố thông minh (IOC) trên 22 lĩnh vực với 611 chỉ tiêu trong phạm vi của tỉnh, làm cơ sở phục vụ người dân và doanh nghiệp.

             Hiện tại, Bình Dương đã đạt ngưỡng một chu kỳ phát triển và đang dần triển khai những chính sách và giải pháp mới cho thời kỳ phát triển mới với nấc thang giá trị cao hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

             Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chính quyền và người dân Bình Dương đang từng bước hiện thực hóa Mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là "phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước"./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu