Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy thế mạnh kinh tế biển

Lưu Sơn
Chia sẻ
(VOV5) - Mục tiêu của Bà Rịa Vũng Tàu là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 305km bờ biển, có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… 5/8 huyện, thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu giáp biển; đồng thời là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với các tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch và cảng biển...Thời gian qua, tỉnh luôn bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng hiệu quả những thế mạnh vượt trội của mình để phát triển mạnh kinh tế biển.
Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy thế mạnh kinh tế biển - ảnh 1Ninh Thuận là khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời cho sản xuất điện cũng như cho nhu cầu sinh hoạt. Ảnh: TTXVN

Từ năm 2018, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển…Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, Việt Nam tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Trong chiến lược đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ riêng đối với khu vực kinh tế Đông Nam bộ mà còn đối với cả nước. Tại Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu cuối tháng 11/2022 vừa qua, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh đặc biệt này của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Vị trí, tầm quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển chung của vùng Đông Nam bộ, của đất nước nói chung là rất quan trọng, cả về an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, văn hóa…. Từ đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải tự hào về vai trò, vị trí địa chiến lược của mình, không những ở tầm quốc gia mà cả tầm quốc tế để có kế hoạch hành động cụ thể."

Nhận thức được tầm quan trọng của mình, tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là "Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh". Đồng thời, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 3 trục đường được bình chọn tuyến đường đẹp Việt Nam, có tuyến kết nối liên hoàn dải ven biển dài 78 km, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy thế mạnh kinh tế biển - ảnh 2Mô hình sản xuất nho trong nhà màng công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu/ nongnghiep.vn

Từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia. Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu, khẳng định:  "Bà Rịa Vũng Tàu  là một tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế biển, có cảng nước sâu Cái Mép -Thị Vải là một trong 20 cảng nước sâu có tiềm năng khai thác tốt nhất thế giới. Phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, theo tinh thần của của Thủ tướng chính phủ là kiên quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đó có việc điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, biến cảng này không chỉ trở thành một cảng biển đơn thuần mà còn là một cảng biển trung chuyến quốc tế.

Tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh BRVT tăng bình quân khoảng 10%/năm. Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu , cho biết: "Với cơ sở vật chất hiện đại, cảng Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng duy nhất có thể tiếp nhận tàu, container có tải trọng trên 200 ngàn tấn, trở thành 1 trong các cảng lớn nhất trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này. Bên cạnh đó, với lượng hàng tăng trưởng liên tục qua các năm, Cái Mép-Thị Vải đã lọt top 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ 2019. Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của cảng biển nước sâu của Việt Nam trên trường quốc tế và từ đây cũng mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập."

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng đề án hình thành "Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ” với mục tiêu hình thành các khu công nghiệp gắn với các đô thị công nghiệp, đô thị ven biển. Đặc biệt hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, các trung tâm công nghiệp lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ đang được đẩy mạnh đầu tư.  Việc này sẽ bảo đảm tính liên kết đồng bộ, liên hoàn trong vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước và các quốc gia.

Ngoài ra, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây dài gần 300km kéo từ Mộc Bài (Tây Ninh) đến Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Từ đó phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Với các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương và địa phương, Bà Rịa – Vũng Tàu đang có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia và một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu