Ami và giấc mơ khởi nghiệp 4.0 từ kết nối người dùng

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Điểm mạnh của Ami chính là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, hay IoT... nên khách hàng sử dụng ứng dụng có thể liên lạc với nhà quản lý để giải quyết vấn đề khi thuê nhà, ở trọ

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Một nhóm bạn trẻ được Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM (ITP) hỗ trợ khởi nghiệp, năm 2018 đã trình làng sản phẩm "Quản gia ảo" - ứng dụng giúp người dùng có thể quản lý ngôi nhà của mình một cách thân thiện. Đó là nhóm bạn trong Công ty cổ phần trí tuệ nhân tạo Ami.

Với một hình dung đơn giản nhất, thì sản phẩm công nghệ kiểu “quản gia ảo” có thể giúp người dùng tiết kiệm điện, thanh toán hóa đơn nhanh chóng, chính xác. “Quản gia ảo" được xây dựng từ tháng 5-2016, bắt đầu từ ý tưởng của chàng trai Lê Hoàng Nhật - giám đốc đồng sáng lập Công ty cổ phần trí tuệ nhân tạo Ami.

Ami và giấc mơ khởi nghiệp 4.0 từ kết nối người dùng - ảnh 1Giám đốc điều hành Ami, Lê Hoàng Nhật phát biểu tại Vietnam Frontier Summit 2018 

Ý tưởng này trước đó đã giúp nhóm Ami (TP.HCM) giành giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2017 do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức. 

Lê Hoàng Nhật cho biết, với mục tiêu dùng công nghệ để kết nối và số hóa thông tin cư dân, Ami đã phát triển những sản phẩm phần mềm và phần cứng ứng dụng công nghệ tiên tiến ... có giá trị thực tiễn trong nghiệp vụ quản lý, giúp chủ đầu tư và các đối tác đem lại dịch vụ tốt nhất cho cư dân của họ: "Ở các thành phố lớn, các chủ có nhà cho thuê ví dụ căn hộ dịch vụ, nhà cho thuê, văn phòng cho thuê khá nhiều. Tụi em thiết kế để chủ nhà hay người quản lý nhà thuê kết nối trực tiếp với những người thuê nhà. Sau đó có bất cứ sự cố gì xảy ra hay có vấn đề gì thì những người dùng sẽ báo lên trên, bằng app của tụi em, và người quản lý chỉ cần kết nối sự cố đó đến một người nhân viên kỹ thuật bảo trì sửa chữa thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết thông qua app hết, không cần giấy tờ như hồi xưa và không cần excel hay thủ công, mà thay vào đó bằng ứng dụng mà tất cả các bên đều có để kết nối được với nhau."  

Công ty AMI của Nhật và các cộng sự cũng đã có những thành công bước đầu với nhiều sản phẩm như Ami a Biz – thiết bị di động truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xác thực quyền sở hữu, Ami Univercity - phần mềm giúp nhà trường quản lý dữ liệu sinh viên, Ami Electriccity – thiết bị đo điện kết nối internet, Ami Fingerprint - thiết bị vân tay thông minh….Nói như Lê Hoàng Nhật thì: "Quan trọng không phải là smart phone mà quan trọng là quản lý năng lượng và quản lý ra vào vv..." Dự án về ngôi nhà thông minh dành cho người Việt của Ami, với những công nghệ mà nhóm nghiên cứu và phát triển như: các thiết bị kết nối internet để thu thập và kiểm soát thông tin về điện; trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu lớn, trích xuất và tạo ra những thông tin có giá trị cao; chuỗi khối để thực hiện những giao dịch hợp đồng thông minh, nhanh và bảo mật tuyệt đối.

Ami và giấc mơ khởi nghiệp 4.0 từ kết nối người dùng - ảnh 2Lê Hoàng Nhật và các thành viên Ami 

Điểm mạnh của Ami chính là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, hay IoT... nên khách hàng sử dụng ứng dụng có thể liên lạc với nhà quản lý để giải quyết vấn đề khi thuê nhà, ở trọ. Theo Lê Hoàng Nhật thì: "Tại sao tụi em chọn phát triển song song mà không phát triển tập trung? Vì tầm nhìn tụi em muốn là triển khai hệ thống nền tảng này cho tất cả mọi người. Và mỗi cộng đồng trên đó sẽ là những thành tố kết nối lại với nhau, thí dụ như sinh viên kết nối với trường đại học, sau đó họ sẽ thuê nhà ở ngoài, đi làm...Họ có tiền sẽ ở chung cư, họ làm ở công ty...Tất cả những cộng đồng thật đó tụi em đang cố gắng số hóa để kết nối lại với nhau. Và tụi em đang cố gắng phát triển cho xã hội những sản phẩm ứng dụng thực tế từ những công nghệ mới nhất mà trong thời đại công nghệ 4.0 của mình đang có".

Ami và giấc mơ khởi nghiệp 4.0 từ kết nối người dùng - ảnh 3Đại sứ Vũ Hồng Nam, khi còn là Phó Chủ nhiệm Ủy  ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, xem gian hàng của Ami tại Diễn đàn kết nối start-up Việt trong và ngoài nước  tại TPHCM tháng 6/2018.

Trước đó, năm 2017, nhóm Ami còn tham gia nhiều cuộc thi quốc tế là một trong 30 đội xuất sắc nhất của sự kiện lớn nhất thế giới về khởi nghiệp công nghệ tại Singapore, lọt vào chung kết khu vực Đông Nam Á cuộc thi toàn cầu do MITEF của Mỹ tổ chức tại Băngkoc (Thái Lan).

Cũng tháng 12/2017, nhận thấy tiềm năng của dự án, một tập đoàn trong nước đã quyết định cam kết đầu tư số tiền 9 triệu USD, tương đương 200 tỷ đồng cho Ami để phát triển đội ngũ và sản phẩm.Lê Hoàng Nhật chia sẻ, đó là bước ngoặt lớn nhất trong quá trình anh làm startup công nghệ này.

Chặng đường của một doanh nghiệp khởi nghiệp, như Nhật cho biết, đầy những khó khăn, những chông gai, chứ không chỉ là hoa hồng ngọt ngào như những hình ảnh trên truyền thông khi đã có thành công, nhưng chính những quyết tâm của những người trẻ đã giúp AMI luôn nỗ lực để tìm cách bứt phá.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu