TS Daniel Dobrev: Chúng ta cần phải thay đổi tích cực - Rượu mới trong bình cũ.

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Nếu như đại dịch Covid-19 xảy đến quá nhanh khiến chúng ta không kịp chuẩn bị thì sau khủng hoảng này, chúng ta có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ.

Đại dịch Covid19 xảy đến bất ngờ làm xáo trộn toàn bộ hoạt động xã hội, đang là thách thức lớn đối với nhân loại. Hơn bao giờ hết, đây là lúc các nước phải nỗ lực và thực sự đoàn kết để tạo ra sức mạnh chống lại virus Covid-19. Là một trong những hình mẫu về đối phó khủng hoảng, những nỗ lực của Việt Nam đang đóng góp những kinh nghiệm tốt để thế giới sớm đẩy lùi đại dịch.

TS Daniel Dobrev, đại diện thương mại của Bộ Kinh tế và Thương mại Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam đánh giá khả năng xử lý dịch bệnh của Việt Nam cũng như chia sẻ những phương pháp thích ứng với xã hội sau đại dịch:

TS Daniel Dobrev: Chúng ta cần phải thay đổi tích cực - Rượu mới trong bình cũ. - ảnh 1Ông Daniel Boychev Dobrev đại diện thương mại của Bộ Kinh tế và Thương mại CH Bulgaria tại Việt Nam. - Ảnh nhân vật cung cấp. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng đối phó với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và người dân Việt Nam hiện nay?

Ông Daniel Dobrev: Rõ ràng, khi dịch Covid -19 trở nên ngày càng phức tạp buộc các nước phải hành động mạnh mẽ hơn. Chính phủ phải dựa vào những nguồn lực quốc gia, kinh nghiệm và sự thực hành tốt nhất. Như bạn thấy, để giải quyết dịch bệnh, tất nhiên phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp và mọi việc phải theo quy trình như là xét nghiệm, điều trị y tế. Cùng với đó là các biện pháp về giãn cách xã hội (cách ly y tế, giữ khoảng cách tiếp xúc) và về sự vận hành quản lý kinh doanh trong thời kỳ khó khăn này. Những quyết sách mà chính phủ đưa ra luôn nhằm mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia và phúc lợi xã hội…

Với vai trò là chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam làm rất tốt khi tận dụng được sự đồng lòng của các nước thành viên trong cuộc chiến chống lại đại dịch thế kỷ này. Đó là chia sẻ kinh nghiệm tốt, bài học hay ở cấp độ quốc tế để hành động ở cấp quốc gia. Những phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam đang được nhiều nước đánh giá cao, học hỏi. Theo tôi, thành công này là nhờ những yếu tố sau: Thứ nhất, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ mọi phương án ứng phó với các kịch bản ngay khi dịch bùng phát. Trong hành động, Đảng và chính phủ Việt Nam rất khéo léo huy động được mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn dân cùng tham gia. Điều này, tôi thấy Việt Nam làm rất tốt.

Là một quốc gia có nguồn lực tài chính hạn chế nhưng Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp với chi phí thấp nhất. Ý thức phòng chống dịch bệnh người dân tốt, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe không bị quá tải. Và điều quan trọng là trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chính sách mang lại hiệu quả nhất trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe y tế, dịch vụ trực tuyến, chính phủ điện tử và tận dụng tốt nguồn lực địa phương. Vì những điều đó, Việt Nam được xem là một hình mẫu thành công của thế giới trong xử lý khủng hoảng mang tên Covid-19.

TS Daniel Dobrev: Chúng ta cần phải thay đổi tích cực - Rượu mới trong bình cũ. - ảnh 2Ông Daniel Dobrev và các đồng nghiệp. - Ảnh nhân vật cung cấp 

PV: Cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc trong hoàn cảnh hiện nay không chỉ là những biện pháp tối ưu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mà còn ẩn chứa những giá trị xã hội sâu sắc. Ông nghĩ như thế nào về điều này? 

Ông Daniel Dobrev: Có 3 học thời kỳ trong học thuyết của tôi về vấn đề này: Đó là sự tương tác xã hội giữa các cá nhân với tổ chức xã hội trước khi dịch xảy ra, trong đại dịch (Giãn cách xã hội)  và tái thiết xã hội ( trở lại cuộc sống bình thường). Bạn thấy rằng, trong 3 thời kỳ này vẫn là sự kết nối hữu cơ giữa các cá nhân và các nhóm xã hội. Tuy nhiên, có sự khác nhau trong phương thức giao tiếp ở 3 thời điểm này.

Trong thời kỳ khủng hoảng này, mỗi cá nhân có nhiều thời gian hơn để trở về với chính mình, chiêm nghiệm nhiều hơn, ít ảo vọng và quan trọng hơn là nhận ra những giá trị cuộc sống cơ bản để phân tích cơ hội, làm mới bản thân để sau khi đại dịch có những ứng xử phù hợp với hoàn cảnh mới. Có thể thấy, khoảng thời gian sống chậm hơn còn là cơ hội để xây dựng kế hoạch hay dự án tốt hơn cho tương lai. Bởi bạn đã đủ bình tĩnh để biết rõ những gì phải làm.

Cách ly không có nghĩa là cô lập chính mình mà là lúc để loại bỏ những thứ không cần thiết, giữ lại và trân quý hơn những giá trị tốt đẹp về sức khỏe bản thân, gia đình, bạn bè, công việc. Quan trọng hơn, mỗi người sẽ tự hỏi tiếp tục phong cách sống hiện tại hay thay đổi. Dù thế nào hãy làm chúng ta trở lại tốt đẹp.

PV: Là một chuyên gia về kinh tế và tâm lý, Ông có lời khuyên gì để trong bối cảnh hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện được mục tiêu kép. Đó là duy trì sự tăng trưởng và đẩy lùi dịch dịch bệnh?.

Ông Daniel Dobrev: Tôi cho rằng, điều thứ nhất, là chia sẻ và phổ biến những công cụ chính sách của Nhà nước cho các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội để phối hợp nhiều hơn với họ trong xử lý tình huống. Thứ 2 là phát triển các cơ chế hợp lý và các quy trình chăm sóc sức khỏe toàn quốc cho các ngành công nghiệp khác nhau, cụ thể theo cách tổ chức dây chuyền sản xuất).

Cùng với đó là tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, phát triển dựa trên nền tảng tốt sẵn có ở Việt Nam. Dựa vào tiềm lực và trí tuệ của các tập đoàn trong nước, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học. Nên tập trung phát triển vào những lĩnh vực Việt Nam đang có thế mạnh. Ví như trong lĩnh vực y học cổ truyền Việt Nam, sử dụng Công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát mọi người trong đại dịch, giáo dục trên nền tảng trực tuyến, hệ thống tự kiểm tra điện tử....

PV: Với những gì đang xảy ra, theo ông thì mỗi người cần phải thay đổi như thế nào để sống hài hòa với một xã hội mới thời kỳ hậu Covid?

Ông Daniel Dobrev: Đó sẽ là một quá trình dài và chúng ta phải làm từng bước một. Khi hết dịch phần lớn người dân sẽ vô cùng háo hức trở lại nhịp sống hối hả. Tuy nhiên, tôi nghĩ ban đầu sẽ có khá nhiều khác biệt so với cuộc sống trước khi có dịch. Nhiều người thích được làm việc ở nhà hơn, ít muốn ra đường hơn vì sợ áp lực phố xá. Điều này sẽ tốt cho môi trường sống.

Sau đại dịch, sẽ hình thành những kết nối mới, xu hướng làm việc online nhiều hơn, bớt đi cách làm việc truyền thống tốn kém, ít hiệu quả. Sau Covid-19 sẽ có thêm nhiều cơ sở, dịch vụ chuyên biệt. Với cá nhân, những kế hoạch dài hạn cũng sẽ thay đổi, ví như: không đi du học, tin tưởng hơn vào hệ thống y tế trong nước, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực từ gia đình, làng xóm, tổ chức xã hội xung quanh...

Nếu như đại dịch Covid-19 xảy đến quá nhanh khiến chúng ta không kịp chuẩn bị thì sau khủng hoảng này, chúng ta có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ. Về điều này, Việt Nam có nhiều bài học hay và kinh nghiệm tốt. Người dân và doanh nghiệp tin tưởng hơn vào cách điều hành của chính phủ Việt Nam, từ đó tạo động lực vận hành nền kinh tế tốt hơn theo hướng tất cả cùng bước tiến, vươn lên mạnh mẽ- không để một ai bị bỏ lại phía sau. Trải qua khó khăn, chúng ta nhận ra rằng, hạnh phúc của mỗi cá nhân sẽ quyết định sự vận hành thành công của Nhà nước và sự thịnh vượng quốc gia.

Trong cái rủi có cái may, trong khó khăn con người sống có tình, gắn bó hơn với cộng đồng, tăng cườngs sức mạnh đoàn kết dân tộc. Qua những gì xảy ra, tôi nghĩ mỗi người nên thay đổi tích cực và tự điều chỉnh bản thân để thích nghi với hoàn cảnh mới.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn về những chia sẻ của ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu