Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với rất nhiều nước là lợi thế của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn về thuận lợi khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đảm nhiệm trọng trách uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ.

Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn về những ưu tiên của Việt Nam  cũng như những thuận lợi khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đảm nhiệm trọng trách này.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với rất nhiều nước là lợi thế của Việt Nam - ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn.  - Ảnh: VOV 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Việt Nam khởi động nhiệm kỳ của mình tại HĐBA LHQ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Việt Nam sẽ làm Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021, vì chức Chủ tịch Hội đồng được luân phiên theo thứ tự chữ cái. Trong tháng 1/2020, Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA, ngoài các cuộc họp và tham vấn thường kỳ, lịch làm việc dự kiến của HĐBA còn có hai phiên họp do Việt Nam đề xuất.

Trong chương trình nghị sự sẽ có Cuộc tranh luận mở (open debate) cấp bộ trưởng ngày 9/1 bàn về việc đề cao Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ. Thảo luận ngày 23/1 theo hình thức “briefing” (một hình thức trao đổi của HĐBA) sẽ bàn về chủ đề hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN. Ngoài ra, trong chương trình nghị sự còn thảo luận các vấn đề liên quan tới quỹ về Iraq, một số vấn đề trung-cận Đông…

Trong nhiệm kỳ HĐBA của mình, Việt Nam dự kiến sẽ chia sẻ các kinh nghiệm sẵn có về tái thiết hậu xung đột, giải quyết hậu quả chiến tranh. Việt Nam cũng đang trao đổi với các chuyên gia về các vấn đề hậu xung đột, hòa giải dân tộc, và giải quyết bom mìn. Việt Nam có kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ. Cùng với đó Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy vấn đề vai trò phụ nữ, trẻ em trong hòa bình, an ninh hay vấn đề gìn giữ hòa bình.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Về thuận lợi, trước hết, có thể thấy rằng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính hiện nay. Nếu là xu hướng chiến tranh, đối đầu thì chúng ta sẽ không thể phát triển được. Đường lối của Việt Nam là mong muốn bảo vệ hợp tác, hòa bình và phát triển. Thêm vào đó, tại HĐBA, các vấn đề lớn chủ yếu là giải quyết căng thẳng, xung đột ở các khu vực. HĐBA luôn mong muốn tìm ra các giải pháp để ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

Việt Nam hiện nay có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với rất nhiều nước trên thế giới. Số phiếu ủng hộ Việt Nam vào HĐBA là 192/193 phiếu bầu một mặt thể hiện mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các nước, mặt khác cũng thể hiện rằng các quốc gia mong muốn Việt Nam đóng góp, sẵn sàng đóng góp vào hòa bình, an ninh quốc tế.

Quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế lớn như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, buôn bán vũ khí bất hợp pháp… là tích cực và xây dựng. Việt Nam mong muốn giải quyết những căng thẳng, bất đồng trong quan hệ quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia. Những thành tựu của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng đã tạo thế cho Việt Nam, như lời Bác Hồ đã nói “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Việt Nam cũng có kinh nghiệm qua nhiệm kỳ làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; kinh nghiệm từ các mối quan hệ song phương, đa phương phức tạp như APEC, ASEAN, ASEM hay từ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2…

Về khó khăn, hiện nay, trong quan hệ giữa các nước lớn có nhiều vấn đề. Điều này cũng sẽ tác động tới hoạt động của Việt Nam của HĐBA LHQ. Theo một số đánh giá, kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đây là thời điểm có nhiều chia rẽ nhất giữa các nước lớn. Ngoài ra, tình hình bất ổn ở một số khu vực còn chưa có dấu hiệu dịu xuống thì đã xuất hiện thêm tình hình bất ổn ở một số khu vực khác cũng phức tạp không kém. Tổng Thư ký LHQ đã đánh giá rằng chủ nghĩa đa phương đang gặp phải thách thức chưa từng có. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hành động đơn phương, xu hướng đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác đang có dấu hiệu gia tăng. Chúng ta ở khu vực Đông Nam Á thì càng cần phải coi trọng việc duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.

PV: Những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia vào HĐBA LHQ của Việt Nam là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Tham gia HĐBA LHQ, Việt Nam mong muốn có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là đường lối đối ngoại hòa bình hợp tác và phát triển, đa phương hóa đa dạng hóa. Việt Nam mong muốn là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Một nội dung nữa là chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đóng vai trò trung gian hòa giải trên những vấn đề phù hợp với lợi ích của mình trong khả năng và điều kiện. Thứ hai là mục tiêu của Việt Nam tham gia vào Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là mong muốn đóng góp vào thúc đẩy cái việc phát huy vai trò của HĐBA, cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Cụ thể, ngăn ngừa xung đột, ngăn ngừa khủng hoảng, giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng.

Ưu tiên thứ ba khi tham gia HĐBA LHQ là làm sao góp phần với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐBA, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời thúc đẩy một số vấn đề các nước Châu Á Thái Bình Dương, các nước nhóm nước ở các khu vực quan tâm. Ví dụ như những vấn đề là bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, vấn đề tái thiết sau xung đột…, những vấn đề mà Việt Nam cũng có kinh nghiệm trên thực tế. Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Bước đầu là các sĩ quan tham mưu, gần đây tham gia là cung cấp bệnh viện dã chiến cấp 2. Đấy là những ưu tiên, mong muốn của Việt Nam khi tham gia HĐBA. Cùng với đó, Việt Nam cũng mong muốn qua dịp này thì Việt Nam cũng thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia thành viên HĐBA cũng như các quốc gia, các khu vực khác nhau. Việt Nam cũng mong muốn rằng trong quá trình tham gia này Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi, nâng cao năng lực của các cơ quan ngoại giao của mình.

PV: Theo Thứ trưởng, cộng đồng quốc tế đã và đang kỳ vọng như thế nào ở Việt Nam trong vai trò mới tại HĐBA?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Về kỳ vọng, tôi cho rằng đại đa số các nước mong muốn Việt Nam phát huy kinh nghiệm của mình, những giá trị của mình trong đề cao độc lập dân tộc, ngăn ngừa xung đột, kinh nghiệm của Việt Nam về tái thiết sau chiến tranh, kinh nghiệm của Việt Nam về hòa giải với những nước đã từng là một bên gây chiến ở Việt Nam. Những kinh nghiệm, mong muốn, giá trị, hoài bão của Việt Nam về hòa bình, về quyền dân tộc tự quyết, kinh nghiệm về hòa giải là rất nhiều. Thứ hai, vị thế của Việt Nam đã được các nước biết đến trong thành tựu đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc với những dấu mốc năm 1945, 1954,1975, và sau này, cả những năm 1980, thời kỳ khó khăn của Việt Nam. Việt Nam đem đến những kinh nghiệm đó trong điều kiện hiện nay.

Hiện nay, 10 nước không thường trực HĐBA có vị trí lớn hơn trước vì 5 nước thường trực gặp khó khăn trong quan hệ với nhau. Đây là thời điểm để phát huy vai trò của 10 nước thành viên không thường trực. Theo luật pháp quốc tế, HĐBA LHQ là cơ chế quốc tế duy nhất có thẩm quyền pháp lý để đưa ra các biện pháp cưỡng chế, trong đó có cả biện pháp liên quan đến sử dụng vũ lực. Tại diễn đàn có vai trò quan trọng hàng đầu như vậy, chúng ta có điều kiện để đề cao, đồng thời có điều kiện thể hiện sự đóng góp của mình là thành viên ủng hộ tích cực, đóng góp có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng từ đó nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu