Sở ngoại vụ Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Kiều bào gốc Thừa Thiên Huế rất yêu quê hương, gắn bó đoàn kết.

Có khoảng hơn 400.000 người con của Thừa Thiên Huế đang sinh sống và làm việc ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, những người Huế xa quê vẫn có nhiều hoạt động hỗ trợ, góp sức cùng với những người trong nước xây dựng quê hương.

Trân trọng và đón nhận sự chung sức của kiều bào, các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động kiều bào và thân nhân… Đây cũng là nội dung trao đổi giữa phóng viên Đài TNVN và ông Nguyễn Huy Thái, Phó Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sở ngoại vụ Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 1Ông Nguyễn Huy Thái, Phó Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

Phóng viên: Thưa ông, là địa phương có số lượng người định cư ở nước ngoài tương đối lớn, công tác kết nối với người VN ở nước ngoài của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua chú trọng vào những nội dung gì?

Ông Nguyễn Huy Thái: Công tác đối với người VN ở nước ngoài được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hết sức quan tâm và được triển khai thông qua Nghị quyết số 27/NQ-CP năm 2016 và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ chính trị khóa IX về công tác đối với người VN ở nước ngoài. Năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW, và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU về việc thực hiện nhiệm vụ và công tác đối với người VN ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành hai Kế hoạch, số 197/KH-UBND năm 2016 và số 143/KH-UBND năm 2022 về việc triển khai các văn bản của Trung ương về công tác đối với người VN ở nước ngoài.

Mặc dù có hơn 2 năm gặp nhiều khó khăn do dịch covid 19 nhưng Tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của tỉnh, Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài tập hợp, đoàn kết, làm cầu nối giữa cộng đồng kiều bào ở trong và ngoài nước để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Chúng tôi đã có các cuộc họp, làm việc, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Và đặc biệt, chúng tôi đã đi một số tỉnh của Lào để nắm bắt và tuyên truyền pháp luật. Ngoài ra, Sở ngoại vụ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các chính sách, giải quyết những vướng mắc mà kiều bào thường gặp phải như về thị thực, hộ chiếu, đầu tư, giải quyết những khó khăn trong suốt thời kỳ đại dịch vừa qua.

Phóng viên: Cụ thể, công tác kết nối với kiều bào gặp khó khăn gì qua 2 năm đại dịch, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Thái: Đối với Thừa Thiên Huế, cái khó trong thời gian vừa qua, đó là làm sao tập hợp được kiều bào, khi mà bà con cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch, suy thoái kinh tế. Kiều bào Thừa Thiên Huế trên toàn thế giới có khoảng hơn 400.000 người, chủ yếu tập trung ở Châu Mỹ, Châu Âu, Lào, Thái Lan… Kiều bào gốc Thừa Thiên Huế rất yêu quê hương, gắn bó đoàn kết. Trong giai đoạn dịch bệnh cũng như các trận bão lụt lịch sử vừa qua, kiều bào đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng để chống dịch cũng như hỗ trợ đồng bào nơi quê nhà. Các kiều bào ở Thái Lan, Canada, Mỹ, Ba Lan, Israel và nhiều nước khác… chúng tôi rất cảm ơn.

Phóng viên: Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã có phương thức gì để kêu gọi bà con về đầu tư vào các thế mạnh này?

Ông Nguyễn Huy Thái: Về hỗ trợ cộng đồng, trong suốt 2 năm vừa qua, các trung tâm hỗ trợ đều không bị ảnh hưởng. Tất cả gần 300 em học sinh và hàng nghìn suất học bổng vẫn tiếp tục được duy trì. Đó là nỗ lực rất lớn của tất cả mọi người, trong đó có sự hỗ trợ của kiều bào ở các nước.

Công tác xúc tiến đầu tư và vận động viện trợ là điểm mạnh của Thừa thiên Huế. Về xúc tiến đầu tư, kiều bào đặc biệt ở các nước Châu Âu và Mỹ đã manmg lại luồng gió mới, ví dụ như ông Trần Sĩ Chương, kiều bào ở Mỹ đang cố gắng kêu gọi AmCham thành lập chi nhánh tại Huế. Thứ hai là cố gắng vận động, kêu gọi những dự án công nghệ cao, y tế, giáo dục đào tạo. Về giáo dục đào tạo thì Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Công Ngọc phối hợp cùng Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam, từ năm 2017 đến nay đã cấp cho 1.157 suất học bổng với tổng trị giá hơn 14 tỉ đồng. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo từ xa, theo hình thức video conference.

Phóng viên: Trong điều kiện kết nối với kiều bào rất thuận lợi như hiện nay, Thừa Thiên Huế mong muốn điều gì thông qua cộng đồng hơn 400.000 người gốc Huế ở nước ngoài nói riêng và kiều bào nói chung khi hướng về Cố đô?

Ông Nguyễn Huy Thái: Tôi rất vui khi được thông báo rằng các bạn trẻ kiều bào đã đầu tư về Thừa Thiên Huế trong các dự án công nghệ cao, như dự án chế biến thủy tinh, silicat… Rồi trong lĩnh vực văn hóa xã hội, đặc biệt trong dịp Festival Huế vừa qua đã có nhiều kiều bào về tham gia các hoạt động nghệ thuật hay tổ chức triển lãm, góp phần nâng cao vị trí, vai trò văn hóa Huế trên trường quốc tế, đồng thời góp phần kết nối lại sau những tháng ngày đại dịch khó khăn. Những hoạt động của kiều bào, cùng với cả nước cũng như các cơ quan trong tỉnh, cất lên tiếng nói rằng Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác của các nước trên thế giới, và kiều bào ta thực sự là bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Sắp tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác về người VN ở nước ngoài và định hướng cho 5 năm tới. Công tác kiều bào sẽ tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất là tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước – đây là công việc thường xuyên đòi hỏi cả sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Thứ hai là nâng cao các đầu mối, thông qua hệ thống các kiều bào ở các khu vực như Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latin, Châu Âu… Những vấn đề này cần giải quyết ở cấp cao hơn chứ không dừng ở cấp địa phương. Thứ ba là tiếp tục các chương trình, ví dụ như ngày 2/9 tới, Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Lê Kim Ngọc cùng với Giáo sư Odon Valet sẽ cấp cho 240 học bổng, tương đương 4,6 tỉ đồng; hay hỗ trợ học bổng cho 6 làng SOS. Bên cạnh đó sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối được nhiều hơn với các kiều bào, cùng chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng đặc thù thành phố di sản, thành phố xanh, thành phố phát triển, thành phố sinh thái.

Phóng viên: Cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu