Dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam tác động không nhỏ tới cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cơ sở hội, phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả phòng chống dịch phù hợp với từng thời điểm cụ thể. Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, các cấp hội với vai trò kết nối, giám sát tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để giúp chị em vừa đảm bảo sức khỏe, vừa duy trì phát triển kinh tế gia đình, sử dụng công nghệ số hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Về những nội dung này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Mời quý vị và các bạn cùng nghe:
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa bà, trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra suốt thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ đã có những hoạt động gì để hỗ trợ phụ nữ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất?
Bà Trương Thị Thu Thủy: Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Hội LHPNVN triển khai môt loạt hoạt động vừa tuyên truyền cho hội viên phụ nữ tham gia phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời hỗ trợ để duy trì sản xuất. Hội đã tổ chức chương trình kết nối yêu thương, nâng niu nông sản Việt, phối hợp giữa Bộ nông nghiệp Phát triển nông thôn, Hội LHPNVN, Hội nông dân và Trung ương Đoàn TNCSHCM kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành với các đơn vị trực thuộc, với phụ nữ các bộ ngành. Đợt dịch cao điểm của Bắc Giang là tiêu thụ vải, kết nối tiêu thụ được 130 tấn nông sản. Hội đã hỗ trợ cho phụ nữ vay vốn, duy trì các chương trình vay vốn cho phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất nhỏ, duy trì các hộ kinh doanh nhỏ, bán lẻ, tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh online, thu hút 1 ngàn điểm truy cập để chị em tham gia tập huấn và giám sát thực hiện chính sách ở các cấp.
PV: Bà có thể chia sẻ những mô hình phòng chống dịch hiệu quả mà các cấp Hội đã triển khai?
Bà Trương Thị Thu Thủy: Hội phát huy lợi thế đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng hộ gia đình tuyên truyền. Ở cấp độ Trung ương, Hội tổ chức chương trình vì nụ cười em,ngày hội gia đình yêu thương, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, diễn đàn vaccine hạnh phúc.Cán bộ hội phải tham gia tổ covid cộng đồng và thực hiện giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch. Hội có những mô hình là bếp ăn yêu thương, bếp nhỏ nhà hội, quầy hàng lưu động, chuyến xe nghĩa tình san sẻ yêu thương, mô hình đi chợ hộ, siêu thị O đồng, taxi hỗ trợ đưa phụ nữ có thai đi sinh ở TPHCM, biệt đội xanh ở Bình Dương, điểm tiếp sức bà con di cư về quê, ở dọc tuyến quốc lộ 1 và đi theo đường Trường Sơn thì Hội LHPN tiếp sức ở những điểm này rất hiệu quả và an toàn, đồng thời thể hiện tình cảm, nghĩa đồng bào.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình – xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam đã có bài tham luận về Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh của Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Hoilhpn.org.vn |
Trên quy mô toàn quốc, Hội LHPNVN đã phát động chương trình cả nước vì miền nam ruột thịt, triển khai chương trình triệu phần quà san sẻ yêu thương. Cho tới thời điểm này, riêng chương trình “ triệu phần quà san sẻ yêu thương”, chúng tôi đã huy động được 500 phần quà, với số tiền 148 tỷ đồng và tổng nguồn lực dưới các hình thức là quà, là tiền, là hàng từ đầu dịch đến giờ, hội đã huy động được gần 420 tỷ đồng. Hội có mô hình hoạt động nhà bình yên, hỗ trợ giải cứu, tư vấn khủng hoảng và can thiệp khẩn cấp, triển khai chương trình mẹ đỡ đầu, phấn đấu 100% tỉnh thành hội, các huyện, thị hỗ trợ trẻ mồ côi. Doanh nghiệp đã ủng hộ các con những quyển sổ tiết kiệm, nhưng chúng tôi với thiên chức của người mẹ thì chúng tôi cũng tính đến hoạt động của mẹ đỡ đầu, một mẹ sẽ nhận một con hoặc một tập thể sẽ nhận một con theo quá trình các con từ thời điểm hiện tại đến khi trưởng thành.
PV:Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới cuộc sống của người dân,trong đó có phụ nữ. Hội đã đóng vai trò kết nối và hỗ trợ như thế nào để giúp các chị có thể vượt qua được thời điểm khó khăn, thưa bà?
Bà Trương Thị Thu Thủy: Về mặt kinh tế, Hội đã có những cuộc thi trao giải phụ nữ khởi nghiệp, rồi tập huấn cho phụ nữ thích ứng với bối cảnh không thể trực tiếp được mà phải trực tuyến để sử dụng công nghệ số, rồi kinh doanh online. Có những lớp tập huấn những người mẹ hiện nay với vai trò chăm sóc, gánh nặng đè lên vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa phải hỗ trợ con học online. Chúng tôi mở những lớp online hướng dẫn chị em cách thức hỗ trợ con, hoặc tạo không khí gia đình, giảm thiểu áp lực, tạo vaccine hạnh phúc cho trẻ em và cho các thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình có nguy cơ đói, rồi gia đình di cư, chúng tôi đã có những hoạt động để hỗ trợ chị em. Chúng tôi cũng đang đề xuất Bộ Lao động thương binh và xã hội có chính sách đặc thù dối với phụ nữ có thai hoặc sinh con trong thời kỳ COVID, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, có những gói hỗ trợ lãi suất O% hoặc lãi suất thấp
PV: Thưa bà, hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, hoạt động của Hội sẽ có phương thức như thế nào cho phù hợp?
Bà Trương Thị Thu Thủy: Hiện nay, với chủ trương của Chính phủ đã chuyển sang giai đoạn thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, Hội LHPNVN đang ở trrong giai đoạn chuẩn bị đại hội phụ nữ cấp tỉnh 2021-2026, chuẩn bị đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ XIII (2022-2027). Thích ứng đầu tiên của chúng tôi là chuẩn bị 2 phương án: phương án trực tuyến và phương án trực tiếp. Trong trực tuyến có trực tuyến toàn bộ và trực tuyến một phần, kết hợp trực tiếp để trong bất kỳ điều kiện nào cũng tổ chức đại hội phù hợp . Hội đã thích ứng bằng cách tất cả các hoạt động hội họp dựa trên nền tảng zoom hay là microsoft team và các nền tảng khác để triển khai các hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trên nền tảng số để thích ứng. Tiếp tục kết nối tiêu thụ sản phẩm, tập huấn nâng cao kỹ năng sản xuất kinh doanh online, qua các hội thảo quốc tế giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các ngân hàng rồi các tổ chức quốc tế. Cán bộ hội viên phụ nữ có nhu cầu có thể giới thiệu sản phẩm của mình, kết nối với các tập đoàn kinh tế để hình thành mạng lưới kinh doanh online, để chị em được tập huấn kỹ năng rồi có thể thực hành,từ đó, nâng cao đời sống thu nhập của gia đình. Tiếp tục thành quả bình đẳng giới trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì hiện nay, Hội đang phát huy vai trò của mình để mà thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, giám sát chính sách đang được triển khai, từ đó, có ý kiến phản hồi để hoàn thiện chính sách.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà
Một số hoạt động của Hội phụ nữ tham gia phòng chống dịch:
Phụ nữ Tuyên Quang tham gia phun khử trùng |
Phụ nữ Bắc Giang truyền thông tại các tuyến đường |
Phụ nữ Hưng Yên hướng dẫn sử dụng khẩu trang |
Phu nữ Thanh Hóa truyền thông phòng chống dịch |
Phụ nữ Bình Định phát khẩu trang |
Phụ nữ Bà rịa vũng tàu chuẩn bị đi truyền thông |
Phụ nữ Cao Bằng vận động người dân không sang biên giới làm ăn khi có dịch |
Phụ nữ Bình Dương truyền thông về COVID trong tuần lễ áo dài |
Tặng quà các lực lượng biên giới phòng chống dịch |