Ngô Phương Thảo: Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quá trình cá nhân hóa trong giáo dục

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Những người lắng nghe thành thật và học hỏi không ngừng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, sẽ lan tỏa đến rất nhiều người khác".
Ngô Phương Thảo: Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quá trình cá nhân hóa trong giáo dục - ảnh 1 Chị Ngô Phương Thảo - Giám đốc công ty Anbooks.

Với quan niệm sách phải thể hiện được triết lý và định hướng của Nhà xuất bản, công ty sách Anbooks của Ngô Phương Thảo ra đời mới được bốn năm.

Một công ty sách nhỏ trên thị trường sách rộng lớn nhưng đã làm được những việc đáng kể, khi chọn lối đi hẹp cho mình: không chạy theo mà định hướng nội dung cho độc giả, từ việc chọn lựa, mời tác giả viết từng cuốn sách. Chỉ với hơn chục cuốn sách ra mắt trong 4 năm, nhưng hầu hết là những cuốn được độc giả đón nhận. tạo nên những hiệu ứng tích cực, lan toả cho cộng đồng.

Đặc biệt, bộ sách Dạy con trong hoang mang của tiến sĩ Lê Nguyên Phương do Anbooks xuất bản đã nhận được giải thưởng Sách hay 2018.  

Chị Ngô Phương Thảo, giám đốc công ty sách Anbooks chia sẻ với VOV5 về câu chuyện làm sách cũng như những lựa chọn để đưa đến những món ăn tinh thần mới và thiết thực cho cộng đồng, 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Thưa chị Ngô Phương Thảo có thể nói là đầu sách của Anbooks chưa phải là nhiều, nhưng các tác giả dường như đều được chọn lọc. Và nếu như tôi không nhầm, trong các câu chuyện chị chia sẻ về sách, thì đa số các tác giả đều đã được mời viết. Có một điểm chung nào giữa những tác giả rất khác nhau đã viết cho Anbooks?
Điểm chung của tất cả những người viết sách mà chúng tôi cùng làm việc với nhau đó là họ luôn luôn tự học.  Họ luôn luôn ý thức được rằng họ đang phải học, học tiếp nữa. Và cái việc họ chia sẻ ngày hôm nay chỉ là bước đầu tiên và một phần trong quá trình học của họ.

Tôi cho rằng để tôi chọn người để cùng làm việc với mình không phải vì họ giỏi.  Bởi vì có rất nhiều người giỏi ở ngoài kia. Cũng không phải bởi vì họ có những điều kiện nào tối ưu hay thuận lợi cho công việc mà mình đang định làm. Tôi nghĩ là tất cả những điều kiện đó chúng tôi có thể cùng tạo ra với nhau.

Nhưng điều quan trọng nhất là tinh thần học mỗi ngày của họ. Và họ là những người lan tỏa tinh thần đó cho tất cả những người khác. Tinh thần đấy thể hiện rất rõ trong sách của họ.

Thậm chí một người khá xuất sắc như anh Lê Nguyên Phương, có hơn 20 năm làm việc về tâm lý ở Mỹ, và khi về Việt Nam mọi người thấy rằng anh Phương là một guru trong nghề của họ. Nhưng bản thân tôi thấy anh Phương vẫn là người đang học. Và ảnh chịu khó suy nghĩ vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau, một người cởi mở về mặt tư duy. Đó là một điển hình.

Ngô Phương Thảo: Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quá trình cá nhân hóa trong giáo dục - ảnh 2Một trang trong tập Con nít con nôi. 

Hay là cả những tác giả Con nít công nôi, các bạn viết rất hồn nhiên trong sáng. Và sự hồn nhiên trong sáng thể hiện ra bên ngoài chính là cái áo của cái tinh thần học hỏi ở bên trong. Ngày nào chúng ta không còn học hỏi nữa, chúng ta không thể hồn nhiên được nữa. 

Cũng giống như vậy, chị Phương Hoa là người có vị trí có thể nói là khá cao trong trong công việc của chị ấy,  nhưng mà về chuyên môn thì tôi nhìn thấy sự học hỏi và sự khiêm nhường của chị ấy, chị học kể cả những bạn mới ra trường,  kể cả những bạn rất còn rất trẻ, 9 x  đang làm chuyên môn mà chị ấy rất lắng nghe một cách cởi mở.

Và vì sao mình muốn đầu tư cho những người lắng nghe thành thật và học hỏi không ngừng? Bởi vì mình biết họ sẽ phát triển. Và sự phát triển của họ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, sẽ lan tỏa đến rất nhiều người khác.

Vậy theo chị thì hiệu quả của Anbooks ngoài những cuốn sách mà mình đã được in ra theo ý mình, và đã khơi dậy sự thích thú đối với bạn đọc, thì Anbooks đã được những gì? Ví dụ như về mặt kinh doanh chẳng hạn?

Khi mở công ty  ra 3 năm thì tôi đồng thời cũng mở thêm một công ty khác về truyền thông.  Đó là cái nghề tốt nhất mà tôi có thể làm. Tôi mở thêm một công ty khác để nhắc mình là công ty sách của tôi có thể chết. Và sau 3 năm thì nó chưa chết!

Đến năm thứ ba, tôi mới ngồi lại và tự hỏi là mình sẽ làm gì tiếp theo sau ba năm? Và tôi đã chuẩn bị, lần này là một bước thứ hai, một bước nghiêm túc thực sự, có chiến lược dài hạn cho một hệ sinh thái, để hỗ trợ cho ngành sách.

Bởi vì sau 3 năm thì tôi phát hiện ra là ngành sách cần rất nhiều sự hỗ trợ bởi các hệ sinh thái, một hệ sinh thái bao gồm những công cụ khác. Tập trung vào phát triển hệ sinh thái để hỗ trợ chính sách tốt hơn.

Ngô Phương Thảo: Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quá trình cá nhân hóa trong giáo dục - ảnh 3Từ trái sang: Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa và Ngô PhươngThảo trongbuổi tọa đàm nhân ra mắt đầu sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm. 

Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về hệ sinh thái này được không?

Sau 3 năm nhìn lại thì tôi thấy ltôi đang tập trung cho điều gì? Và điều gì đang nuôi sống công ty? Tôi phát hiện ra, tất cả sản phẩm của Anbooks chỉ tập trung và quan tâm về giáo dục. Vì không phải mình không có cơ hội khác nhưng có vẻ như tất cả chúng tôi đều thích điều đó. Có vẻ như chúng tôi phù hợp với điều đó.

Chúng tôi tự hỏi là, vậy mảng nào trong giáo dục và vấn đề nào trong giáo dục mà mình quan tâm? Chúng tôi phát hiện ra là chúng tôi quan tâm nhiều đến sự phát triển về Love Quotient, chỉ số tình thương, chỉ số yêu thương, sự phát triển về tư duy, khả năng tự học, tự phát triển bản thân.

Chúng tôi có một triết lý xuyên suốt trong toàn bộ quá trình làm việc của mình: Đó là trả quyền được tự động tự chủ cho chính bản thân mình và họ nên được giúp đỡ để làm chuyện đó. Thế là Wemaster.vn hình thành. Wemaster là “bạn là thầy của bạn”. Mỗi người là thầy của mình. Và để cho một con người có thể trở thành thầy của chính mình thì họ phải được nhiều người xung quanh giúp đỡ, để thứ nhất là công nhận họ là chính họ, thứ hai là hỗ trợ để người ta hiện thực được bản thân của họ. Đó chính là quá trình cá nhân hóa trong giáo dục.

Và chúng tôi tin rằng mỗi một thời đại mục tiêu giáo dục phải khác nhau. Cùng với sự phát triển về công nghệ hiện nay, mục tiêu giáo dục phải thay đổi. Các nước phương Tây đã đi nhanh hơn chúng ta trong việc phát triển cá nhân hóa, nhận thức về cá nhân.

Trong một môi trường toàn cầu hiện nay nếu chúng ta không kịp trao quyền đó cho cá nhân, thì khi con em chúng ta đi ra ngoài làm việc với toàn cầu sẽ bị giới hạn.

Wemaster là hệ sinh thái mà tôi muốn xây dựng, bao gồm một trang tin về giáo dục, trong đó cổ vũ sự phát triển của cá nhân hiểu được chính mình trong môi trường thế giới, rồi một mô hình learning club - một mô hình câu lạc bộ cùng nhau học và một mô hình người tư vấn.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu