Mộc Châu phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trong những năm qua, Mộc Châu đã xác định việc duy trì bảo tồn bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Huyện Mộc Châu có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, là một trong những huyện đa dạng văn hóa dân tộc nhất của tỉnh Sơn La. Cùng với những danh thắng được thiên nhiên ưu đãi như Hang Dơi, ngũ động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa..., thì những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch vào cả 4 mùa trong năm.  Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu trả lời phỏng vấn VOV5 về những nội dung này.

Mộc Châu phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoa - PCT UBND huyện Mộc Châu

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa bà, Mộc Châu là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa mang bản sắc riêng. Huyện đã có chính sách như thế nào để giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc tại đây?

Bà Nguyễn Thị Hoa: Ngoài việc phát triển nông nghiệp với khí hậu lợi thế cho du lịch, thì các hoạt động văn hóa dân tộc cũng được xác định là kênh hỗ trợ tốt cho phát triển du lịch. Trong những năm qua, chúng tôi đã xác định việc duy trì bảo tồn bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hàng năm, chúng tôi tổ chức khôi phục các lễ hội truyền thống của các dân tộc. Mộc Châu có nhiều lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, như lễ hội Hết Chá của người Thái, lễ hội Cầu mưa của người Thái, lễ hội Nào Sồng của người Mông, lễ Lập Tịnh của người Dao… được duy trì và tái hiện hàng năm. Ngoài ra chúng tôi cũng tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ, văn hóa để bảo tồn và duy trì các nét văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi cũng phát huy tối đa vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc truyền bá nét văn hóa cho con cháu. Khi du khách đến Mộc Châu rất muốn trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo ấy.

PV: Việc gắn văn hóa của đồng bào với việc phát triển kinh tế du lịch được thực hiện cụ thể như thế nào thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoa: Huyện đã đầu tư và hỗ trợ mạnh để phát triển các bản du lịch cộng đồng. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích trải nghiệm bản làng, nghỉ ở các bản du lịch cộng đồng. Khi ấy người dân cũng được nâng cao nhận thức của mình về du lịch. Chúng tôi đã đưa người dân tham gia các khóa tập huấn, học tập kinh nghiệm, phối hợp với trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, tập huấn công tác đón tiếp khách, bố trí bàn ăn… để giúp người dân có thêm hiểu biết. Người dân Mộc Châu đang từng bước tiếp cận cách làm du lịch, bởi họ thấy được hiệu quả kinh tế đem lại cho họ từ du lịch. Bên cạnh đó, mỗi dân tộc lại có nét văn hóa riêng, chúng tôi duy trì các đội văn nghệ của các dân tộc để phụ vụ khách du lịch. Người dân có thêm thu nhập, và du khách lại được trải nghiệm những nét đẹp rất thú vị, như vậy đã hài hòa được nhu cầu của du khách cũng như mong đợi của đồng bào cấc dân tộc Mộc Châu.

PV: Trong xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, thì việc áp dụng công nghệ để phát triển du lịch nói riêng cũng như phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đang được Mộc Châu triển khai ra sao?

Bà Nguyễn Thị Hoa: Vấn đề này đối với đồng bào cũng như người làm du lịch của Mộc Châu còn có những hạn chế nhất định so với những điểm du lịch khác. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu du lịch Mộc Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ví dụ như mới đây chúng tôi đã phối hợp với công ty Topas, tới đây sẽ tổ chức Giải chạy maraton quốc tế tại Mộc Châu vào tháng 1/2019. Những hình ảnh đẹp nhất, những thước phim đẹp nhất về Mộc Châu sẽ được đưa lên trang mạng để quảng bá trên toàn quốc. Trung tâm xúc tiến của Tỉnh cũng đang phát huy ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, Tập đoàn Vietel cũng có định hướng cùng với huyện xây dựng thành phố du lịch thông minh. Chúng tôi hy vọng việc phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp để triển khai hoạt động này sẽ phát huy được ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế xã hội của Mộc Châu sẽ đạt được những bước tiến mới.

PV: Xin cảm ơn bà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu