Hợp tác Pháp - Việt về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó Hà Nội mất đi các di sản kiến trúc thì khi đó Hà Nội sẽ mất đi linh hồn, mất đi bản sắc và mất đi sự hấp dẫn của mình. 

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc cổ là một trọng tâm hợp tác giữa Vùng Ile de France và Hà Nội trong nhiều năm qua. Trước xu thế hội nhập toàn cầu và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tthì việc gìn giữ bản sắc văn hóa thông qua công trình kiến trúc lại càng cần thiết. Về vấn đề này, PV Hà Linh phỏng vấn ông Emanuel Cerise, trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile de France của Pháp và thành phố Hà Nội:

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Hợp tác Pháp - Việt về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị - ảnh 1Ông Emmanuel Cerise, giám đốc chương trình hợp tác giữa vùng Ile de France, Pháp và thành phố Hà Nội. Ảnh nv cung cấp

PV. Xin chào ông Emmanuel Cerise! Xin ông cho biết  đôi nét về  chương trình hợp tác giữa vùng Ile de France của Pháp  và thủ đô Hà Nội,về bảo tồn di sản kiến trúc.?

Ông Emmanuel CeriseHợp tác giữa vùng Ile de France với thành phố Hà Nội bắt đầu từ hơn 30 năm nay, trong đó lĩnh vực bảo vệ di sản kiến trúc luôn là nội dung trọng tâm..Ngay từ những năm 90 thế kỷ trước, Pháp giúp Hà Nội trùng tu sửa chữa nhiều công trình cổ thời Pháp ví dụ như trường Chu Văn An, Thư viện Quốc gia... Những năm từ 2000-2010, hai bên hợp tác bảo tồn khu phố cổ, cầu Long Biên, Nhà Hát Lớn....Cùng với thời gian, hợp tác phát triển ngày càng tốt đẹp. Cũng như vùng Ile de France, Hà Nội phát triển và biến đổi từng ngày nên hai bên cũng có nhiều thay đổi trong chính sách hợp tác. Tuy nhiên, kể cả có thay đổi ra sao thì vấn đề bảo vệ di sản luôn là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác. Càng về sau sự hợp tác đó càng mang tính chiến lược, kỹ thuật và đa chiều hơn. Hiện hai bên đang bước sang một giai đoạn mới đó là bảo tồn di sản kiến trúc song song với việc giúp Hà Nội phát triển du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng không gian công cộng, không gian kiến trúc, bài bản hơn trong quy hoạch đô thị.

Hợp tác Pháp - Việt về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị - ảnh 2Cầu Long Biên, công trình kiến trúc cổ từ thời Pháp cần được duy tu, bảo tồn. Ảnh internet

 PV: Thưa ông, trong bối cảnh các thành phố trên thế giới có xu hướng thiết kế giống nhau về kiến trúc hiện đại thì việc bảo vệ công trình kiến trúc cổ có ý nghĩa như thế nào trong việc gìn giữ bản sắc riêng.?

Ông Emmanuel Cerise: Việc phát huy giá trị di sản, tăng cường chất lượng đô thị hay là tính hấp dẫn của các thành phố là vấn đề mà tất cả các thành phố trên thế giới quan tâm. Tôi thấy rằng, Hà Nội có một vị trí đặc biệt, có rất nhiều công trình di sản chất lượng. Đó là những tòa nhà, các đường phố, cơ sở hạ tầng chẳng hạn như cầu Long Biên, các khu phố cổ...So với nhiều thành phố châu Á khác như Hồng Kông, Băng Cốc, Singapore... thì Hà Nội có tiềm năng hơn rất nhiều để phát huy hay bảo tồn giá trị di sản. Vì vậy, sẽ là rất tốt nếu Hà Nội biết cách tận dụng thế mạnh về di sản kiến trúc của mình để phát triển thành phố….

Hợp tác Pháp - Việt về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị - ảnh 3Di sản kiến trúc phố cổ Hà Nội. Ảnh KTDT 

Tôi nghĩ rằng, muốn xây dựng một đô thị phát triển bền vững trong đó có kinh tế bền vững, du lịch bền vững thì cần phải dựa trên những gì đã có trong quá khứ và những gì chúng ta đang có chính là di sản. Đó là các công trình cổ tuổi đời hàng trăm năm tồn tại bên trong một Hà Nội nghìn năm lịch sử. Thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó Hà Nội mất đi các di sản kiến trúc thì khi đó Hà Nội sẽ mất đi linh hồn, mất đi bản sắc và mất đi sự hấp dẫn của mình. Bởi vì người nước ngoài và khách du lịch khi đến thăm Hà Nội bởi đó là Hà Nội chứ nếu họ muốn nhìn thấy sự hiện đại, quy mô tầm cỡ thì họ đến những nơi khác.

PV: Nước Pháp nổi tiếng là quốc gia có thế mạnh gìn giữ được những công trình kiến trúc cổ bên cạnh sự phát triển đô thị hiện đại, đặc biệt là vùng Ile de France. Vậy theo ông, thành phố Hà Nội nên học hỏi từ nước Pháp những kinh nghiệm như thế nào về bảo tồn giá trị di sản kiến trúc?.

Ông Emmanuel Cerise: Tôi nghĩ rằng, một trong những hạn chế của các nhà quy hoạch kiến trúc Việt Nam đó là họ thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng những cái mới bên cạnh những di sản cũ. Pháp là quốc gia có rất nhiều di sản với bề dày lịch sử nên về vấn đề này Pháp có nhiều thế mạnh và làm tốt. Các văn phòng kiến trúc ở Pháp đều phải tuân thủ các quy định cực kỳ chặt chẽ, nghiêm khắc trong xây dựng thiết kế. Cùng với đó, việc bảo tồn, phát huy di sản kiến trúc được thực hiện quy mô tại các thành phố lớn ở Pháp. Ở trường, sinh viên kiến trúc không chỉ được đào tạo về xây mới công trình mà còn phải học nhiều về thiết kế cân bằng giữa cái mới và cũ. Tôi nghĩ rằng trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì việc gìn giữ và cân bằng giữa bảo tồn và phát triển càng phải được quan tâm.: 

Hợp tác Pháp - Việt về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị - ảnh 4Ông Emmanuel Cerise tại một Hội thảo về cải tạo đô thị vì chất lượng cuộc sống  

PV:  Ông ấn tượng như thế nào về các công trình kiến trúc cổ truyền thống của Việt Nam?.

Ông Emmanuel Cerise: Điều tôi thích nhất trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, đó là sự cân bằng giữa các công trình kiến trúc với môi trường xung quanh. Nó cũng giống như kiến trúc Pháp vậy. Đó là những công trình rất hòa hợp với thiên nhiên. Ví dụ như những nhà sàn, ngôi nhà trát bùn, mái ngói ở nông thôn ngày xưa hay đình, chùa...được xây dựng với tỷ lệ cực kỳ phù hợp với cây cối, với thảm thực vật xung quanh, chắn được nắng, gió, ánh sáng, rất hợp phong thủy và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tôi nghĩ rằng, từ những công trình truyền thống như thế, bài học quan trọng nhất đối với các kiến trúc sư trẻ chính là sự cân bằng, hài hòa giữa kiến trúc với khí hậu và với môi trường sống xung quanh. 

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu