Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Tấm gương của Đại tướng là phẩm chất của một trí thức mang theo truyền thống văn hóa dân tộc, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam...

Đã gần 8 năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta, nhưng hình ảnh một vị tướng tài ba, nhân hậu vẫn còn mãi trong lòng người dân Việt Nam. Vào những dịp đặc biệt của đất nước, mọi người vẫn nhắc nhớ về ông bằng sự kính trọng, tri ân một vị Tướng huyền thoại, người anh cả của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (25/08/1911- 25/08/2021) Hà Linh, PV Đài TNVN phỏng vấn Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng.

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, là người may mắn được làm việc và có nhiều gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với Đại tướng?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam - ảnh 1Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu,
nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh qdnd.vn

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ký ức đầu tiên của tôi với Đại tướng là vào năm 1970, khi đó tôi là đại đội trưởng tiểu đoàn 3, trung đoàn 27 Mặt trận B5. Sau khi chúng tôi chỉ huy tiêu diệt gọn cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), tôi được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng. Khi Đại tướng vào thăm B5, tôi và đồng chí Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm được lên trực tiếp Bộ Tư lệnh báo cáo trận đánh cho Đại tướng. Khi tôi vào gặp lần đầu tiên, tôi chào Đại tướng, đồng chí Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Đạo. Đại tướng hỏi tôi Đồng chí đã chuẩn bị kỹ chưa? Rồi, Đại tướng bảo tôi không cần nhìn sách mà chỉ bản đồ nói toàn bộ quy luật hoạt động của bộ binh cơ giới Mỹ ở chiến trường và cách tổ chức để đánh thắng và sau khi đánh thắng đồng chí rút kinh nghiệm được những bài học gì. Sau khi tôi báo cáo xong, Đại tướng biểu dương và có nói như này: “Các đồng chí chỉ huy phải hết sức chú ý là đánh thắng nhưng phải bảo tồn được lực lượng, giảm nhiều nhất tổn thất và thương vong thì mới gọi là người chỉ huy giỏi”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam - ảnh 2Ảnh tư liệu

Ký ức thứ 2 rất ấn tượng rất sâu sắc với Đại tướng là vào năm 1971, khi đó tôi là tiểu đoàn trưởng tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Tôi đã có thành tích trong trận đánh táo bạo giữa ban ngày, tiêu diệt 28 xe cơ giới của địch ở đường 9 Nam Lào, gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Đông Hà, lên Khe Sanh và bản Đông. Lần đó, tôi được ra Hà Nội và được phép báo cáo với Đại tướng về trận đánh. Tôi nhớ rất rõ lời căn dặn của Đại tướng là phải tiếp tục huấn luyện đánh theo các hình thức khác nhau, chuẩn bị cho các trận đánh năm 1972.

Chính nhờ đó, nên năm 1972 tôi chỉ huy tiểu đoàn 3, trung đoàn 27, đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 đông nam cứ điểm 544 (địch gọi là Fulơ). Đã luồn sâu vào phía sau căn cứ của địch, cho nên chỉ sau 35 phút quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ chiến trường và bắt sống Tiểu đoàn trưởng của địch là Hà Thúc Mẫn. Sau đó chỉ huy đánh Vu Hồi cánh Đông giải phóng Hải Lăng và Hải Phong góp phần vào giải phóng hoàn toàn Quảng trị.

Khi thành lập Quân đoàn năm 1973, đến năm 1974 tôi về làm Trung đoàn trưởng. Khi chúng tôi đang thực hiện cuộc hành quân thần tốc từ Tam Điệp, theo Đông Trường Sơn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh thì nhận được lệnh của Đại tướng. Trong bức điện có ghi: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Mệnh lệnh này sau đó được truyền đạt cho tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Anh em quên hết mệt nhọc, tiếp tục hành quân suốt ngày đêm vào tập kết ở Đồng Xoài và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam - ảnh 3 Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự thành lập Quân đoàn 1 ngày 24/10/1973.
Ảnh tư liệu văn phòng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Đặc biệt, một kỷ niệm nữa với Đại tướng khiến tôi không thể quên. Đó là vào năm 1999 (tôi khi đó là Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy viên chấp hành TW Đảng) miền Trung xảy ra thảm họa lũ lụt khủng khiếp. Tôi cùng con tàu Đại Lãnh đi mở đường cứu đồng bào Quảng Nam bị lũ lụt thì bị mất liên lạc. Đại tướng (khi đó 88 tuổi) gọi điện cho Cục tác chiến yêu cầu phải bằng mọi cách phải tìm con tàu mất tích đó...Đến hôm sau tàu vào được Dung Quất, mọi người nối máy cho tôi nói chuyện với Đại tướng và ông biểu dương chúng tôi.

Lúc nào cũng vậy, Đại tướng rất thương cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt đồng bào miền Trung, luôn nhắc nhở chúng tôi không để bà con thiếu đói trong thiên tai. Đại tướng luôn căn dặn chúng tôi phải luôn phát huy truyền thống Quân đội Việt Nam Anh hùng, Anh Bộ đội cụ Hồ, làm việc gì cũng phải hoàn thành cho tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

PV: Thuộc thế hệ tướng lĩnh kế cận xuất sắc của Đại tướng, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Ông thấy mình học được những phẩm chất gì từ vị Đại tướng Tổng tư lệnh kiệt xuất  Võ Nguyên Giáp?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có thể nói, học tập ở Đại tướng thì rất nhiều nhưng, cá nhân tôi nhận được từ người Đại tướng nhiều bài học sâu sắc, đặc biệt trong cuộc đời binh nghiệp của mình, từ khi gặp Đại tướng năm 1970 cho đến khi công tác ở Hà Nội. Điều sâu sắc nhất mà tôi thấy được ở ông là phẩm chất của một nhà tư duy quân sự lỗi lạc, mang đầy đủ dấu ấn của "Văn hóa Việt Nam", của truyền thống dân tộc Việt Nam và những gì tinh hoa nhất của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam. Tôi nói ví dụ, trong tổng kết của chiến tranh Việt Nam thì đó là "đánh địch bằng mưu kế, thế trận và thắng địch bằng thế thời". Chính vì vậy, tôi đã vận dụng các thời cơ trong phạm vi của tôi để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đại tướng có một ý chí và nghị lực phi thường. Đó là ý chí dành độc lập cho dân tộc. Nghị lực phi thường là quyết chiến - quyết thắng giành độc lập cho dân tộc. Tôi luôn nhớ lời căn dặn của Đại tướng “Đã là chỉ huy phải thương yêu chiến sĩ, phải bao dung với đồng đội và phải biết hi sinh vì sự nghiệp lớn của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam - ảnh 4Cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự hội thảo khoa học quốc tế 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004. Ảnh tư liệu VP Thương tướng Nguyễn Huy Hiệu

PV: Cùng với danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xét phong là 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Đã có rất nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu và sách viết về Đại tướng. Như một cuốn sách nhan đề “Chiến thắng bằng mọi giá - Chân dung ngoan cường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Cecil B. Currey, giáo sư sử học quân sự của Mỹ. Cuốn này, Thượng tướng nhiều lần giới thiệu cho bạn đọc. Có gì đặc biệt ở cuốn sách này?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự lỗi lạc mang đầy đủ dấu ấn của sức mạnh dân tộc Việt Nam - ảnh 5         Tác giả cuốn sách là chuyên gia sử học Mỹ 
             Cecil B. Currey

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Đại tướng toàn tài ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng tôi nghĩ, mặt xuất sắc nhất của Đại tướng là thiên tài quân sự. Ông là kiến trúc sư tài năng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tấm gương của Đại tướng là phẩm chất của một trí thức mang theo truyền thống văn hóa, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam và sức mạnh dân tộc Việt Nam. Những phẩm chất đó truyền tải thông điệp, không những cho thế hệ trước, hiện nay mà còn cả thế hệ mai sau.

Ông thực sự là một vĩ nhân, một danh tướng huyền thoại của thế giới. Tôi đã đọc rất nhiều sách viết về Đại tướng nhưng có lẽ cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá” của chuyên gia sử học người Mỹ Cecil B. Currey đầy đủ và khách quan nhất về cuộc đời binh nghiệp và khách quan về cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng. Vị giáo sư này còn nói cả những mặt thành công và chưa thành công của Đại tướng. Tác giả đã nghiên cứu rất kỹ và sâu để viết nên cuốn sách đó. Còn tiêu đề: “Chiến thắng bằng mọi giá” , tôi cho rằng ý nghĩa thực chất không phải bằng tất cả mọi giá, mà trong những lần giới thiệu sách tôi nhấn mạnh “Đại tướng tiết kiệm từng “giọt máu” của chiến sĩ, chứ không phải bằng mọi giá, mất bao nhiêu cũng được để chiến thắng”. Tôi đọc rất nhiều tư liệu, sách về Đại tướng nhưng ấn tượng với cuốn sách này nhất và đã giới thiệu nhiều lần cho bạn đọc.

PV: Đã gần 8 năm, kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa nhưng tinh thần vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân phục vụ của Đại tướng vẫn còn nguyên giá trị. Vâng, trong bối cảnh cả nước đang phải "căng mình" chống dịch Covid-19, Thượng tướng nghĩ gì về sự tăng cường hỗ trợ của Lực lượng quân đội trong công tác chống dịch ở các tỉnh thành phía Nam hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Huy HiệuTrong tình hình hiện nay không chỉ có dịch bệnh, thiên tai cũng thế, đều rất khủng khiếp. Chúng ta luôn phải nhớ và học tập tinh thần của Đại tướng là: Vì nhân dân quên mình; Quân đội là của dân, do dân và vì dân; Quân đội phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân.

Và, những việc mà Quân đội đang làm càng tỏa sáng phẩm chất của Anh Bộ đội Cụ Hồ. Khi chúng ta xây dựng một trận địa trong lòng dân chính là xây dựng niềm tin đối với Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Quân đội phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: Vừa sẵn sàng chiến đấu; Vừa tập trung phòng chống dịch bệnh và thảm họa thiên tai, bảo vệ tính mạng của nhân dân, sẵn sàng phục vụ quên mình vì cuộc sống của nhân dân. Đó không phải là lời nói mà phải gắn với hành động, việc làm thiết thực mới xây dựng được niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Trần Hữu Cạnh

Quá hay và rất ý nghĩa . Nhất là trong tình hình hiện nay , anh bộ độ Cụ Hồ cần nói gương người... Xem thêm