Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã gây ra một cú sốc lớn đối với phương Tây. Hàng chục năm sau chiến thắng vĩ đại này, các học giả, giới quan sát và cả báo chí nước ngoài đã tìm mọi cách giải đáp câu hỏi, làm thế nào để Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể đánh bại kẻ thù được đánh giá là mạnh hơn mình hàng chục lần và được trang bị vũ khí hiện đại hơn rất nhiều.
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vừa được truyền đi thì hàng loạt tờ báo lớn của quốc tế đã có các bài viết bày tỏ sự trân trọng đối với vị danh tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Trong bài viết trên Trang tin điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo (People.cn) của Trung Quốc đăng ngày 6/10/2013 (ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời) với tiêu đề “Napoleon của Việt Nam đã qua đời” có viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự quan trọng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam đã qua đời, hưởng thọ 102 tuổi. Dù không khởi nghiệp từ quân nhân, nhưng vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhiều lần chỉ huy tác chiến thắng lợi, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu – Nguồn: VOV
|
Tạp chí danh tiếng Time của Mỹ từng ba lần sử dụng chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa khi đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Time là tạp chí luôn tập trung vào những bản tin quan trọng, thú vị, thông qua những câu chuyện của những người có tầm ảnh hưởng lớn. Tạp chí Time lần đầu tiên sử dụng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa tạp chí cho số ra ngày 17/6/1966 với chú thích “The other side’s dilemma” (tạm dịch: Tình thế tiến thoái lưỡng nan của phía bên kia). Lần thứ 2, trong số ra ngày 9/2/1968, Tạp chí Time đưa chân dung Đại tướng làm ảnh trang bìa trong bối cảnh cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968 vừa kết thúc, kèm theo chú thích “Days of death in Vietnam” (tạm dịch - Những ngày chết chóc ở Việt Nam). Time lần thứ 3 đăng hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên trang bìa vào số ra ngày 17/5/1972, sau chiến thắng trận Thành cổ Quảng Trị, với chú thích “The big red blitz” (tạm dịch: Trận chiến khốc liệt).
|
Tạp chí danh tiếng Time của Mỹ từng ba lần sử dụng chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa. Nguồn: qdnd.vn
Tân Hoa xã cũng có nhiều tin bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi ông là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, người chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh tư liệu – Nguồn: TTXVN
|
Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 25/1/1954. Ảnh tư liệu – Nguồn: vtc.vn
|
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc,” quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh tư liệu - Nguồn: TTXVN
|
L'Humanité dành vị trí quan trọng đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp màn hình
|
Hãng tin AP khẳng định: “Võ Nguyên Giáp và đội quân du kích mang những đôi dép làm từ bánh xe cao su, dựa vào sức người mà vận chuyển vũ khí đạn dược vào rừng, đánh bại đội quân hiện đại của Pháp, giành được một thắng lợi tưởng chừng như không thể. Trận đánh này đến nay vẫn là một trận đánh tiêu biểu được giảng dạy trong các nhà trường quân đội”.
“Binh chủng xe đạp thồ” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu – Nguồn: svhttdldienbien.gov.vn
|
Còn Hãng tin Reuters thì cho rằng: “Chiến dịch này không những gây tổn thất nặng nề cho Pháp - đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới lúc bấy giờ, mà còn khiến cho chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới đi đến hồi kết.”
Hãng thông tấn quốc gia Algeria (APS) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "vị tướng huyền thoại", người "anh hùng của dân tộc Việt Nam."
17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu – Nguồn: TTXVN
|
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh tư liệu – Nguồn: TTXVN
|
Ngoài ra, phải kể đến bài viết của nhà báo, nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đăng trên tờ New York Times tháng 6/1990. Bài viết dành rất nhiều sự khen ngợi để nói về vị tướng kiệt xuất của Việt Nam. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh của quân đội Cộng sản Việt Nam là một trong những vị tướng tài giỏi nhất lịch sử thế giới…Là một nhà chiến lược táo bạo, một tư duy logic tài năng và một nhà tổ chức không biết mệt mỏi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến đấu suốt hơn 30 năm, biến một đội quân du kích áo vải ít ỏi thành một trong những quân đội hiệu quả nhất của thế giới…”
Trang báo điện tử của The New York Times đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 4/10/2013. Ảnh chụp màn hình
|
Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến. quyết thắng" tung bay trên nóc hầm De Castries. Ảnh tư liệu - Nguồn: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
|
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Ban Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: Triệu Đại/ TTXVN
|
Đại tướng thăm thương, bệnh binh sau trận đánh Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu – Nguồn: VNExpress
|
Các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ công kênh Đại tướng trong lễ mừng công ngày 13/5/1954. Ảnh tư liệu – Nguồn: VNExpress
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/1975). Ảnh: Kim Hùng/ TTXVN
|
Nhà báo ảnh Mỹ Catherine Karnow, trong một lần được tiếp xúc với Đại tướng, miêu tả: “Đó là người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ”; “ở tuổi 83, Đại tướng vẫn nhanh nhẹn”. Ảnh: Catherine Karnow cung cấp
|
Đại tướng thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Bên cạnh đại tướng là đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: VNExpress |
Với người dân Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người cha, người anh đáng kính của gia đình. Để rồi khi ông về thăm, ai cũng mừng vui ra đón. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mất mát lớn của cả dân tộc Việt Nam. Thế giới cũng cúi mình trước hương linh của Đại tướng. Ảnh: Trần Tuấn/ TTXVN
|
VOV5/ Lệ Chi - Tổng hợp