Đại sứ EU Julien Guerrier:“EU sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho quan hệ song phương“

Chia sẻ
(VOV5) -  Thông qua các công cụ hỗ trợ cụ thể, Liên minh châu Âu mong muốn được đóng góp một phần vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) một ngày sau khi trình quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, có cuộc gặp gỡ báo chí. Tại đây, Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế quan trọng về kinh tế, dân số, vị trí địa lý tại châu Á - Thái Bình Dương, do đó luôn là một đối tác quan trọng của EU. Trong nhiệm kỳ mới này, thông qua các công cụ hỗ trợ cụ thể, Liên minh châu Âu mong muốn được đóng góp một phần vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Xin chào Đại sứ Julien Guerrier, ông có thể giới thiệu một chút về mình như lời chào đến với người dân Việt Nam khi bắt đầu nhiệm kỳ mới 5 năm của mình tại đây?

Đại sứ Julien Guerrier: Xin chào các bạn. Tôi rất vui được trở lại Việt Nam với cương vị là đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Với tôi, Việt Nam không hề xa lạ chút nào. Bởi năm 1996 tôi cũng đến đây như một khách du lịch. Quan trọng hơn, cũng cách đây 27 năm, tôi đến Việt Nam rất nhiều lần cùng với đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu, cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Kể từ đó, làm việc thường xuyên trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư thương mại, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi ngoạn mục của đất nước các bạn. EU nói chung và các thành viên nói riêng của Liên minh đều là những người bạn của Việt Nam và ủng hộ nhiệt thành các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong những thập niên qua.

Đại sứ EU Julien Guerrier:“EU sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho quan hệ song phương“ - ảnh 1Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Ảnh Hà Linh

Có thể nói, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng và hiện nay có vai trò trung tâm hơn. Vì thế, EU đã có những chiến lược phát triển ở khu vực này. Trong đó, Việt Nam có một vị trí rất quan trọng về mặt kinh tế, dân số cũng như về vị trí địa lý. Do đó, Việt Nam luôn là một đối tác rất quan trọng của Liên minh châu Âu.

Trong nhiệm kỳ này, tôi muốn hoàn thành một sứ mệnh 5 năm tới là tiếp tục ủng hộ Việt Nam đạt được các mục tiêu, tham vọng của mình. Đó là trở thành một quốc gia có mức thu nhập phát triển vào năm 2045. Cùng với đó, Liên minh Châu Âu mong muốn tiếp tục ủng hộ cho quá trình chuyển đổi Xanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải dòng bằng 0. Thứ 2, chúng tôi mong muốn rằng, với kinh nghiệm về nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình, EU là những cường quốc trong lĩnh vực này, với những kỹ năng, kinh nghiệm và công nghệ của mình có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam trong năng lực của mình.

Cùng với đó, liên minh châu Âu mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển song vẫn duy trì được bản sắc văn hóa của mình. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các bạn trong các nội dung liên quan nhằm hướng tới một nước có thu nhập cao vào năm 2045, cũng như đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

PV: Vậy tới đây, xin Đại sứ cho biết thêm về những chương trình, kế hoạch cũng như là những ưu tiên cụ thể của Liên minh Châu Âu trong việc việc thúc đẩy, mở rộng hợp tác với Việt Nam?

Đại sứ Julien Guerrier: EU không chỉ hỗ trợ về mặt ý tưởng mà còn trực tiếp thông qua những cách thức và 5 công cụ. Đầu tiên, tôi muốn nói đến Hiệp định thương mại tự do đang được thực thi. Có thể thấy, từ vài năm trở lại đây, dòng thương mại trao đổi kim ngạch song phương giữa VN và EU chứng kiến sự tăng trưởng 32%. Xuất khẩu Việt Nam hiện nay cao hơn 4 lần so chiều ngược lại từ EU tới Việt Nam.

Thứ 2, là công cụ cấp vốn có tên gọi "Cửa ngõ Toàn cầu", EU mong muốn trợ giúp Việt Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng, y tế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Với số vốn trên 300 tỷ euro dành cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nguồn tài trợ này là để ủng hộ các mục tiêu phát triển bền vững nhưng vừa không gây ra vấn đề về nợ công, vừa mang tới tác động tích cực đối với con người, xã hội, môi trường…

Công cụ thứ 3 chính là cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT) của nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác. EU muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo bằng nguồn vốn dự kiến 15,5 tỷ USD từ nguồn ngân sách công và đầu tư tư nhân. Ở đây, trách nhiệm chính thuộc về các đối tác quốc tế, trong đó có đại diện là 2 nhà điều phối EU và Vương quốc Anh, cùng các quốc gia khác trong khối G7, sẽ điều phối để hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Thứ 4 là chương trình đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo mang tên Horizon Europe. Chương trình này sẽ mở các cơ hội đăng ký nguồn viện trợ, đầu tư cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt là các viện nghiên cứu mà Việt Nam có thế mạnh. Việt Nam có các nhà đổi mới sáng tạo tài năng uy tín và EU khuyến khích họ đăng ký để được tiếp cận nguồn viện trợ từ quỹ, để thông qua đó các chuyên gia của Việt Nam và EU có thể trao đổi với nhau về kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ.

Và công cụ thứ 5 là thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng. Liên minh Châu Âu có dự án nhằm tăng cường hợp tác an ninh với châu Á. Thông qua cơ chế này, EU sẽ giúp Việt Nam xây dựng năng lực như an ninh hàng hải, an ninh mạng và các lĩnh vực liên quan khác.

Đại sứ EU Julien Guerrier:“EU sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho quan hệ song phương“ - ảnh 2Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier. Ảnh quandoinhandan.vn

PV: Thưa Đại sứ, lĩnh vực đối ngoại và giao lưu nhân dân cũng là điểm sáng ấn tượng, sức mạnh mềm trong gắn kết mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu từ trước tới nay. Vậy trong nhiệm kỳ mới, hoạt động này được EU và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy như thế nào?

Đại sứ Julien Guerrier: Ngày 26/09, tôi có vinh dự trình quốc thư lên Chủ tịch nước Việt Nam và chúng tôi đã có phần trao đổi chia sẻ các nội dung, trong đó tôi nói đến những cách thức tối ưu nhất, làm sao tối đa hóa được hiệu quả của những công cụ trong hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Việt Nam đang phát triển theo định hướng của khẩu hiệu Độc lập- Tự do- Hạnh phúc. Đó là cụm từ mà đó tôi cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp và ý nghĩa. Và khẩu hiệu này đã phản ánh những nguyện vọng của nhân dân. Do đó, EU và Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao lưu nhân dân, qua sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Liên minh châu Âu mong muốn cụ thể hóa hơn nữa các nguyện vọng này thông qua các cơ chế hợp tác ở các lĩnh vực như Văn hóa, giáo dục Đại học.

Tháng 10 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một Hội chợ về du học tại châu Âu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm cung cấp thông tin hữu ích về cuộc sống, giáo dục tại Châu Âu cho các bạn trẻ Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta có thể tìm hiểu để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài theo đúng tinh thần nguyện vọng về hợp tác giao lưu của người dân EU và Việt Nam.

EU là một người bạn và đối tác tin cậy lâu năm của Việt Nam. Chúng tôi có vị thế đặc biệt để mang lại giá trị gia tăng cho quan hệ đối tác song phương, hướng tới việc hiện thực hóa các tham vọng của Việt Nam.Tôi tin rằng Việt Nam có thể tin tưởng vào Liên minh Châu Âu - một đối tác tin cậy, phù hợp cũng như cá nhân tôi, với tư cách là một người bạn. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam và chúng tôi rất mong muốn cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa những cơ hội này”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu