Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển quan hệ Việt Nam- Trung Quốc

Thu Hà - Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) -  Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam trong nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 – 1/11 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra  thành công. Hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đều hài lòng với kết quả của chuyến thăm. Chuyến thăm nhận được sự đánh giá cao của nhân dân hai nước Việt – Trung, cũng như của cộng đồng quốc tế.  Và thành công của chuyến thăm sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Đây là khẳng định của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về ý nghĩa của chuyến thăm.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
 PV: Xin ông cho biết dư luận Trung Quốc đánh giá như thế nào về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua?

Đại sứ Hùng Ba: Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng. Trước hết, chúng ta có thể thấy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có đặc điểm rất nổi bật đó là chúng ta đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo, quan hệ hai đảng phát huy vai trò định hướng đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai đảng hai nước đều bước vào giai đoạn then chốt, kế thừa quá khứ và hướng tới tương lai. Đối với Trung Quốc, Trung Quốc vừa mới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất: xây dựng xã hội khá giả toàn diện và mở ra hành trình mới hướng tới phấn đấu mục tiêu trăm năm lần thứ hai. Trung Quốc cũng vừa tổ chức thành công đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển quan hệ Việt Nam- Trung Quốc - ảnh 1Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Ảnh Đức Anh

Đối với Việt Nam, năm ngoái Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 và đang nỗ lực hết sức để thực hiện các mục tiêu mà Đại hội 13 đề ra. Chính vì vậy, nhân dịp đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa mới kết thúc, hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng đã gặp lại nhau sau 5 năm, vì vậy chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng và chắc chắn sẽ được nhân dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế theo dõi.

Thành công của chuyến thăm ở chỗ lãnh đạo hai đảng đã đi sâu trao đổi về các vấn đề chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay, hai nhà lãnh đạo dựa trên đại cục sự nghiệp phát triển của mỗi đảng, mỗi nước và quy hoạch phát triển 10 năm, 20 năm tới để xác định phương hướng phát triển toàn diện, hoạch định những nguyên tắc quan trọng trong quan hệ hai đảng, hai nước. Vì vậy, chuyến thăm này có ý nghĩa rất sâu rộng đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Kết quả của chuyến thăm còn thể hiện trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyên bố chung gồm 13 điểm và có nội dung rất toàn diện, phong phú. Ngoài ra, chúng ta còn ký kết 13 văn kiện hợp tác. Những kết quả của chuyến thăm lần này đều rất quan trọng và chúng tôi đánh giá rất cao.

PV: Thưa Đại sứ, đâu là điểm nhấn nổi bật nhất của chuyến thăm lần này?

Đại sứ Hùng Ba: Tôi cho rằng, trong chuyến thăm này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được chúng tôi đón tiếp như đón tiếp một người bạn tốt và lâu năm của Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc.

Các bạn có thể chú ý đến quy cách đón tiếp của phía Trung Quốc là cấp nguyên thủ cao nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc đón tiếp sau Đại hội 20. Chuyến thăm này cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên mà Trung quốc tổ chức các nghi lễ chào đón kể từ khi dịch covid 19 bùng phát. Đặc biệt là trong chuyến thăm, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay mặt Đảng và nhân dân Trung Quốc trao tặng Huân chương hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển quan hệ Việt Nam- Trung Quốc - ảnh 2Đại sứ Hùng Ba trả lời phỏng vấn phóng viên Đài VOV5. Ảnh Đức Anh

Đây là vinh dự cấp quốc gia cao nhất của Trung Quốc dành cho lãnh đạo nước ngoài. Điều này thể hiện tình cảm nồng thắm của Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc dành cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như dành cho Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá cao đối với những công lao to lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước, cũng như mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước trong suốt thời gian qua.

Điểm đặc biệt nữa của chuyến thăm là ngoài hội đàm chính thức, Trung Quốc còn tổ chức tiệc trà có sự tham dự của hai tổng bí thư. Đây là một nghi thức lễ tân đặc biệt, rất hiếm thấy trong các nghi lễ đón tiếp lãnh đạo nước ngoài. Năm 2017, Việt Nam là quốc gia đầu tiên Tổng bí thư Tập Cận Bình tới thăm sau Đại hội 19. Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự tiệc trà dưới chân nhà sàn bác Hồ, và điều này cũng thể hiện tình cảm nồng thắm rất hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước. Đây cũng chính là điểm nhấn nữa của chuyến thăm này.

PV: Xin ông đánh giá về quan hệ Việt - Trung những năm gần đây và tiềm năng tăng cường mối quan hệ này trong tương lai?

Đại sứ Hùng Ba: Những năm gần đây dưới sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo hai Đảng, quan hệ Việt Nam -Trung Quốc luôn duy trì đà phát triển tốt đẹp, quan hệ hai nước có tính ổn định rất lớn, phương hướng phát triển quan hệ hai nước rất rõ ràng. Dưới sự dẫn dắt chiến lược đó, việc giao lưu trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng hai nước rất mật thiết. Giao lưu giữa hai lãnh đạo cao nhất, giao lưu, trao đổi giữa thủ tướng hai nước, giữa các ủy viên bộ chính trị, các bộ trưởng, trưởng các ban ngành, cũng như lãnh đạo các địa phương duy trì trao đổi hợp tác mật thiết, thường xuyên. Thông qua các cơ chế này, chúng ta tăng cường được sự giao lưu kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước và hai nước chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau, cùng nhau đi lên.

Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng rất nổi bật, giao thương giữa hai nước tăng trưởng ổn định. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam trong nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Asean, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ sáu trên thế giới của Trung Quốc. Theo thống kê của phía Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2021 đã vượt 230 tỷ USD.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng đều, chất lượng đầu tư ngày càng cao, ngày càng nhiều dự án đầu tư công nghệ cao và những lĩnh vực mới như năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tôi thấy đây là dấu hiệu rất tốt.

Giao lưu giữa nhân dân hai nước tuy rằng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 có giảm một chút, nhưng chúng ta đang cố gắng khôi phục lại. Hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam mỗi tuần đều có 19 chuyến bay bay từ 7 thành phố giữa hai nước. Chúng tôi tin rằng song song với sự kiểm soát dịch Covid 19 thì việc giao lưu của nhân dân hai nước chúng ta sẽ dần được khôi phục lại.

Tôi cho rằng sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có một triển vọng rất tươi sáng, tiềm năng hợp tác to lớn, bởi vì lãnh đạo hai Đảng đều có chung nhận thức chính trị quan trọng là chúng ta sẽ ủng hộ lẫn nhau thực hiện những mục tiêu phát triển chiến lược của nhau mà hai Đảng đã xác định, đó là trong 15 năm, 30 năm tới đây, Trung Quốc sẽ cơ bản thực hiện xã hội chủ nghĩa hiện đại hoá và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hoá, còn Việt Nam đã xác định sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, và chúng ta đều ủng hộ nhau thực hiện các mục tiêu trên.

Về dư địa tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng rất lớn bởi vì chúng ta có nhiều thế mạnh đặc biệt. Hai nước Việt – Trung núi sông liền một dải, có điều kiện kết nối giao thông rất thuận tiện. Hai nước cũng đang tiếp tục cố gắng để tăng cường kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam đang ở trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ và tham gia vào sự phát triển của Việt Nam, tăng cường hợp tác tại các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu… Vì vậy, tôi nghĩ rằng không gian dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn.

PV: Vâng, Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu