Cần thống nhất trong học thuật để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông

Dương Kim Thoa
Chia sẻ

(VOV5)- Trò chuyện với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về cuốn “Hoàng Sa – Trường Sa trong thư tịch cổ”.

VOV5)- Trò chuyện với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển – Đại học Mở TPHCM về cuốn “Hoàng Sa – Trường Sa trong thư tịch cổ”.

Cần thống nhất trong học thuật để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông - ảnh 1

*Thưa nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, được biết thời gian qua công ty Phương Nam Book và Nxb Hội Nhà văn đã phối hợp xuất bản công trình "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" do anh chủ biên. Xin hỏi anh tư tưởng nội dung xuyên suốt của cuốn sách là gì?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trước đây, có nhiều công trình nghiên cứu về biển Đông và hải đảo Việt Nam đã xuất bản. Tôi cũng đã viết và tham gia xuất bản nhiều cuốn như: “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” (Đinh Kim Phúc chủ biên, Nxb Tri Thức, 2010); “Hoàng Sa – Trường Sa luận cứ và sự kiện” (Nxb Thời đại, 2011), cuốn này cũng đã được Nxb Khoa học Kỹ thuật của Nhật dịch và xuất bản tại Nhật; “Xung đột trên biển Đông không còn là nguy cơ tiềm ẩn” (Nhiều tác giả, Nxb Tri Thức, 2012); “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” (Nxb Tri thức, 2010), đây là cuốn sách đầu tiên về biển đảo Việt Nam được phát hành công khai và đã được thạc sỹ Lý Lan Phương dịch trọn vẹn sang Tiếng Anh và dự kiến xuất bản thời gian tới.

Ngoài ra phải kể tới cuốn “Công lý và hòa bình trên biển Đông” do Giáo hội in năm 2013 in và phổ biến trước ở Mỹ, cách đây 2 tháng đã được in bằng tiếng Việt.

Có thể thấy, các công trình đã xuất bản đó đã cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh và sự thật về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Nhưng bên cạnh đó, tôi còn trăn trở trước việc, chính phủ và các nhà khoa học Trung Quốc vẫn thường rêu rao rằng, họ có chủ quyền lịch sử trên vùng biển Đông, và cái gọi là Tây Sa, Nam Sa họ có chủ quyền từ cách đây 2000 năm.

Do đó, với tập sách "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" chúng tôi muốn chứng minh rằng, luận điệu đó chỉ là câu chuyện hoang đường.

Trong 2 bài viết của tôi trong này là “Tư duy biển cả của Trung Quốc” và “Những phát hiện mới trong tấm bản đồ của Matteo Ricci” năm 1602 đã chứng tỏ, Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Bài của TS. Nguyễn Đăng Vũ và của TS. Nguyễn Xuân Diện khảo cứu tài liệu ở Lý Sơn. Tôi thấy đây là một bài khảo luận rất có giá trị. Tài liệu Lý Sơn là một trong những bằng chứng rất đanh thép khi ra tòa án quốc tế để phân xử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là sắc lệnh của triều đình cử các đội ra khai thác, quản lý ngoài quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm dùng những thư tịch, châu bản triều đình nhà Nguyễn chứng minh, Việt Nam đã làm chủ trên hai vùng biển đảo này từ rất lâu rồi, muộn nhất là từ thế kỷ 17.

Điều quan trọng hơn chúng ta biết, ở Trung Quốc, từ các triều đại Hán – Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh, Trung Quốc có 24 bộ sử, người ta gọi là “Nhị thập tứ sử”, rồi phương chí và địa đồ Trung Hoa. Nhà nghiên cứu người Việt về biển Đông độc lập ở Hoa Kỳ là Hồ Bạch Thảo đã chứng minh rõ, trong tất cả những tài liệu chính sử đó trước năm 1909 đều chỉ giới hạn tới huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam. Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ trên biển Đông. Họ đang thực hiện mưu đồ nuốt trọn biển Đông bằng cách đánh tráo khái niệm nhằm đánh lừa dư luận Trung Quốc và dư luận thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học lịch sử có khả năng đọc được cổ văn và cổ sử Trung Quốc như Hồ Bạch Thảo, Phạm Hoàng Quân đã dùng chính sử liệu Trung Quốc để vạch mặt mưu đồ đó.

Vì lẽ ấy, qua cuốn sách "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" độc giả sẽ thấy rõ Trung Quốc ngụy tạo sử liệu như thế nào. Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam như tôi rất tự tin nói rằng, chúng tôi sẵn sàng tranh luận với các học giả Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền 2000 năm của họ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở bất cứ nơi nào trên trái đất này.

Vậy trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị phương án kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì tài liệu này có ý nghĩa như thế nào?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Việc kiện Trung Quốc ra các cơ quan công pháp quốc tế để phân xử các hành động xâm lược của Trung Quốc hiện nay, tôi nghĩ đó là vấn đề tất yếu phải xảy ra.

Giới nghiên cứu lịch sử chúng tôi thường nói với nhau, thư tịch, bản đồ, chính sử trước hết là cái để mọi người dân Việt Nam, người dân Trung Quốc và người dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa thuộc về ai. Nhưng khi ra đến tòa án quốc tế thì các hồ sơ quốc tế mới là quan trọng. Bản đồ hay sách sử chỉ minh họa cho các hồ sơ pháp lý.

Chúng ta tin rằng, các hồ sơ pháp lý của Việt Nam, như các sắc lệnh của triều đình nhà Nguyễn về việc quản lý, khai thác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các sắc lệnh, nghị định của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị quản lý hai quần đảo này từ 1954 đến 1975 sẽ là những minh chứng pháp lý và lịch sử quyết định ai là chủ thực sự của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc hoàn toàn không có tài liệu pháp lý nào để chứng minh cho cái họ gọi là “chủ quyền 2000 năm”.

Như anh phân tích, công trình "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" là tài liệu quan trọng cả về ý nghĩa lịch sử cũng như căn cứ khoa học. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ viết bằng tiếng Việt, và cho người Việt đọc. Vậy thì về dự định chuyển ngữ cuốn sách để tiếng nói của nó vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ chúng ta sẽ thế nào?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Cái yếu nhất của các nhà nghiên cứu về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thời gian qua là chúng ta nói cho người Việt nghe. Trong khi đó, người Trung Quốc mở các chiến dịch tuyên truyền và chiếm lĩnh các diễn đàn trên thế giới để ngụy tạo chứng cứ. Do đó tôi thấy rằng, việc chuyển ngữ tất cả các tài liệu khoa học của Việt Nam ra tiếng nước ngoài để thế giới thấy rõ chính nghĩa thuộc về ai là điều rất quan trọng.

Như cuốn “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” của tôi do Nxb Tri thức ấn hành năm 2010 đã được dịch sang tiếng Anh hoàn chỉnh, sắp tới sẽ công bố. Về cuốn "Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ" theo tôi biết bên Phương Nam Book và Nxb Hội nhà văn cũng có kế hoạch dài hơi trong việc này để giới thiệu ra bạn bè quốc tế.

Tôi nghĩ, việc phổ biến các công trình nghiên cứu của nhà khoa học Việt Nam ra thế giới không chỉ là việc của các tác giả. Vì các nhà nghiên cứu cũng có hạn chế mặt nọ mặt kia về ngoại ngữ. Do đó, cần có sự đồng tâm đồng sức của toàn cộng đồng để đưa các công trình đó ra thế giới.

*Anh đã đi vào nghiên cứu nhiều phương diện khác nhau để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, trong tư duy người làm khoa học, anh thấy có vấn đề nào nữa đáng quan tâm trong công cuộc nghiên cứu này?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm lập hồ sơ pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa là việc làm của Chính phủ. Còn việc góp tiếng nói, góp phần nhỏ nhoi của mình vào việc làm sáng tỏ chủ quyền Việt Nam trên hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa và cái phần chủ quyền và quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông là của mọi công dân Việt Nam.

Tôi vẫn luôn thừa nhận, tôi không giỏi và cũng không chuyên nghiên cứu về biển Đông và hải đảo Việt Nam, nhưng tôi may mắn vì bên cạnh có nhiều người thầy, người bạn, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước rất giỏi đã giúp đỡ về mặt tư liệu, dịch thuật, góp ý cho những bài viết và công trình đã/sắp xuất bản.

Tôi nghĩ, trong việc thống nhất phương hướng nghiên cứu để tập hợp các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thành một tiếng nói chung, một sức mạnh đấu tranh chống lại các luận điệu của chính phủ cũng như các nhà khoa học Trung Quốc, Nhà nước phải là đầu đàn. Nhà nước phải là người chủ xướng tập hợp giới nghiên cứu biển Đông trong và ngoài nước.

Hiện nay tôi thấy có rất nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài rất giỏi, nhiều người vững cả về lịch sử và pháp lý, đủ sức đấu tranh với Trung Quốc nhưng thiếu sự liên kết.

Chúng tôi cần một cơ quan nhà nước đứng ra làm chủ xướng lĩnh vực này. Về mặt trận học thuật, để tranh luận với các nhà khoa học Trung Quốc, cũng phải có một sự thống nhất, chứ hiện nay giới nghiên cứu biển Đông ở Việt Nam là mạnh ai nấy làm, phải nói thực như vậy. Ai hiểu vấn đề gì thì nghiên cứu vấn đề đó.

Mà chúng ta biết rồi, trong nghiên cứu khoa học, nếu nghiên cứu về một ông vua hay sự kiện lịch sử nào đó, nếu sai, hoàn toàn có thể đính chính, nhưng trong nghiên cứu về chủ quyền, hay dở không thành vấn đề, nhưng nếu sai thì rất nguy hiểm. Người Trung Quốc sẽ vin vào đó để tuyên truyền, xuyên tạc chúng ta.

Hiện nay ta thấy, Trung Quốc hay đưa ra cái gọi là Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, các bản đồ của Cục bản đồ Việt Nam của Cục Tổng tham mưu, rồi sách giáo khoa hay phát biểu của một ông A, ông B nào đó làm minh chứng cho tuyên truyền của họ. Nhà nước cần có một chiến dịch phản biện tất cả những lập luận mơ hồ, những võ đoán, những ngụy tạo chứng cứ của Trung Quốc. Để làm dư luận trong và ngoài nước thấy rõ, lịch sử nằm ở đâu, pháp lý nằm ở đâu, chính trị nằm ở chỗ nào và ý thức hệ là gì.

Xin trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về cuộc trao đổi!


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu