Mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện từ năm 2017 tại huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi), xã Triệu An (huyện Triệu Phong) và huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Đây là mô hình dân vận mới, tuyên truyền để ngư dân nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp đảo gần bờ hơn, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã có những hiệu quả tích cực về công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho bà con ngư dân, đặc biệt cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" giúp các em học sinh huyện đảo Lý Sơn hiểu rõ hơn về lịch sử huyện đảo, về biển đảo Tổ quốc, giáo dục cho các em về tình yêu quê hương đất nước.
Phóng viên VOV5 phỏng vấn Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 về hiệu quả hoạt động của mô hình này sau 2 năm triển khai.
Đại tá Lê Huy sinh - Chính ủy BTL Vùng CSB 2 tặng quà và cờ Tổ quốc cho ngư dân Lý Sơn
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Đại tá Lê Huy Sinh, trên vùng biển mà vùng Cảnh sát biển 2 quản lý có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân hoạt động khai thác thủy sản, ngoài thực hiện nhiệm vụ thì việc giúp đỡ bà con như tuyên truyền Luật biển, giúp bà con phát triển kinh tế biển được Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện như thế nào?
Đại tá Lê Huy Sinh: Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 triển khai đồng bộ da dạng các hình thức biện pháp tiến hành. Thứ nhất là thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ nhận thức sâu sắc trong công tác vận động tuyên truyền và giúp đỡ ngư dân phát triển kinh tế cải thiện nâng cao đời sống là trách nhiệm của mỗi tổ chức, mối cá nhân trong Bộ Tư lệnh Vùng. Thứ hai là, Hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt làm công tác dân vận trên các địa bàn, trong đó tập trung vào các đảo, các xã ven biển, nơi có nhiều ngư dân, thông qua đó để vận động tuyên truyền và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nâng cao đời sống. Thứ ba là, các tàu đi tuần tra kiểm soát trên biển đều được Bộ Tư lệnh Vùng giao nhiệm vụ trong kết hợp thực hiện nhiệm vụ thì tiến hành tuyên truyền và giúp đỡ ngư dân đang hoạt động trên biển, qua đó xây dựng lòng tin cho nhân dân và mối đoàn kết quân với dân một ý chí.
PV: Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chống đánh bắt bất hợp pháp và không theo quy định IUU cho bà con ngư dân trên các vùng biển được triển khai như thế nào, thưa ông?
Đại tá Lê Huy Sinh: Chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền đoàn thể địa phương như ban dân vận, ban tuyên giáo, biên phòng các tỉnh, các huyện ven biển tổ chức các đợt tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân, trong đó tập trung vào các nội dung quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của các nước trong khu vực liên quan đến khai thác thủy hải sản, nhất là quy định của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp trên biển... Thứ hai là tuyên truyền thông qua chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh an toàn biển đảo” mà Bộ Tư lệnh Vùng đã ký kết với đài PTTH 6 tỉnh miền Trung để tuyên truyền, trong đó có nội dung pháp luật “những điều ngư dân cần chú ý” được phát hàng tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên biển để ngăn chặn, tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời sẵn sàng xử phạt vi phạm hành chính nếu có tàu nào vi phạm nhiều lần mặc dù đã được nhắc nhở tuyên truyền, đồng thời gửi thông báo về địa phương nơi có tàu vi phạm để cùng nắm, quản lý, theo dõi và có biện pháp ngăn chặn.
PV: Công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cho ngư dân được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 coi trọng như thế nào, thưa ông?
Đại tá Lê Huy Sinh: Công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cho ngư dân được toàn Bộ Tư lệnh Vùng hết sức coi trọng; luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là mệnh lệnh của trái tim, là hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Cảnh sát biển" . Vì vậy Bộ Tư lệnh Vùng hàng năm luôn có phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu hộ cứu nạ trên biển, thường xuyên được bổ sung cập nhật và tổ chức huấn luyện thành thục cho sát với tình hình thực tiễn; Duy trì lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng 24/24, khi có yêu cầu, mệnh lệnh là cơ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được ngay.
PV: Ông có thể cho biết những kết quả của mô hình dân vận Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân được triển khai trong 2 năm qua?
Đại tá Lê Huy Sinh: Thông qua chương trình đã nâng cao được nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển đảo VN, qua đó xây dựng lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương và trách nhiệm nghĩa vụ của công dân đối với biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi đã huy động được nguồn lực xã hội cùng chung tay, đồng hành để giúp đỡ ngư dân, nhất là các gia đình nghèo, gia đình chính sách cải thiện nâng cao đời sống, yên tâm vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế - xã hội và cùng với các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong đánh bắt, khai thác hải sản, nhất là trong bảo vệ môi trường biển và khai thác nguồn lợi thủy sản được nâng lên.
PV: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã có những kế hoạch thay đổi gì trong thời gian tiếp theo để chương trình ý nghĩa này tiếp tục được duy trì 1 cách bền vững, thưa ông?
Đại tá Lê Huy Sinh: Trong thời gian tới, định hướng chung vẫn là làm sao vận động, tuyên truyền và giúp đỡ được ngư dân càng nhiều càng tốt. Bộ Tư lệnh Vùng sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng trong thực hiện chương trình trên khắp vùng biển miền Trung. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền đoàn thể các địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đồng hành, tạo ra nguồn lực để giúp đỡ ngư dân cả về vật chất và tinh thần, bảo đảm cho xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc, góp phần phát triển kinh tế biển của đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
PV: Vâng xin cảm ơn ông./.