Tới với mảnh đất Hà Thành, nhiều món ngon và đặc sản mà thực khách không thể bỏ qua thưởng thức hoặc mua để làm quà. Tuy vậy, có một món ăn mà người Hà Nội gần như không thể bỏ qua vào mỗi buổi trưa, chiều, hoặc du khách cũng rất thích đó là chè.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cứ tầm trưa, hay khoảng xế chiều, thậm chí là buổi tối, bất kỳ lúc nào, dạo qua các con phố của Hà Nội, sẽ thấy những nơi tụ tập đông người là những quán chè. Chè giờ đây còn được người bán hàng chở trên những chiếc xe đẩy đi trên các con phố giới thiệu với thực khách. Thời tiết cuối hè chuyển sang thu với những cơn gió se se vẫn khiến mỗi người thèm được ăn một cốc chè mát lạnh để xua tan cảm giác háo khát và cả thói quen ăn quà vặt. Trên các con phố của mảnh đất Hà thành, những hàng chè không ít đa dạng các loại, chè thập cẩm, chè đá, chè nóng, chè Huế, chè Thái…. Mỗi quán có bí quyết riêng để giữ chân thực khách bởi hương vị đặc trưng. Quán chè bưởi ở trên phố Hai Bà Trưng, thì lại có những hương vị riêng để khách khi đã một lần ăn nhớ mãi. Chị Tố Như, một khách hàng quen của quán biết bao năm nay cho biết: “ Tôi ăn ở đây nhiều năm. Cốt dừa ngon bác chủ tự làm, Độ sánh và độ bùi độ béo không có hàng nào bằng”.
Chè truyền thống là món ăn lâu đời, qua bao năm vẫn in sâu trong tâm trí những người dân Hà thành. Ảnh: Foody. |
Có lẽ vậy mà biết bao năm nay, quán chè nhỏ của bác Nguyễn Thị Lê vẫn rất đông khách. Khách hàng tới ăn và có thể mua mang về. Chè của quán bác Lê với hương vị bưởi thơm ngát, nồi chè sánh với những hạt đỗ được nấu nhừ nhưng không bị nát mà vẫn giữ nguyên hạt, với màu vàng sánh. Để giúp thực khách cảm nhận được sự thanh mát và tinh tế của món chè bưởi, người nấu phải đổ bao tâm huyết vào đó. Đúng như chủ quán chia sẻ: “Làm chè bưởi này nhiều công đoạn lặt vặt, đỗ phải đồ 2 lần, dừ nhưng nguyên hạt, cốt dừa sánh mịn, cùi dừa vừa dai dai sần sật ngòn ngọt”.
Bà chủ quán luôn tay, những cốc chè sánh, màu vàng như mùa thu, trong vắt soi được cả những hạt đỗ, thêm màu trắng của cốt dừa. Cốc chè múc không đầy, chè nấu không quá ngọt, căn vừa giữa chè và cốt dừa để thực khách cảm nhận được độ sánh, bùi và thanh mát khi thưởng thức.
Người Hà Nội cho dù đi học nơi xa, cho dù sang sinh sống ở nước ngoài, khi quay về vẫn không quên tìm mua những đặc sản quen thuộc của người Tràng An như bánh cốm, hạt sen… để làm quà. Và chè vẫn là món ăn mà những người con xa quê tìm đến bởi hương vị truyền thống được lưu giữ qua từng năm. Quán chè ở phố Nguyễn Hữu Huân với cái tên CHÈ BÀ TÔI vẫn là địa chỉ tin cậy của thực khách. Chè ở đây đủ loại: đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, bí đỏ… nhưng các loại chè khô như chè con ong, chè xôi nén, chè kho vẫn được khách hàng ưa thích bởi mang đậm phong cách Hà Nội xưa. Hương vị truyền thống của các món chè khô và nhất là chè hạt sen long nhãn khiến cho những thực khách sành ăn luôn phải tìm tới với quán. Bà Nguyễn Thị Nhàn, chủ quán chè ở phố Nguyễn Hữu Huân cho biết:“Tìm và giữ chè truyền thống vì con và vì giữ nét văn hóa nên tìm lại các món chè truyền thống. Ngày xưa các gia đình khá, tiểu thư thì chè long nhãn ăn không nhiều. Hạt sen Hồ Tây đưa về nấu không bở tơi, không vỡ nát mà vẫn có vị ngọt, mỗi bát 2 3 quả và thể hiện sự tao nhã của người Tràng An.
Chè truyền thống vẫn là nấu thủ công, tỷ mỷ và mỗi một quán hàng, mỗi một người thợ đều có bí quyết riêng trong món ăn của mình. Nhưng để giữ được hương vị riêng, để thực khách cảm thấy rõ sự khác biệt trong từng món chè đòi hỏi mỗi người chủ cần phải dồn hết tâm sức, cảm nhận và chế biến bằng cả trái tim và đôi tay của mình. Một lần tới với mảnh đất Hà Thành, đừng quên tìm và cảm nhận hương vị của các loại chè.