Trả lời thư thính giả hỏi thủ tục nhập cảnh về Việt Nam, du học và thông tin về Chầu Văn

Chia sẻ
(VOV5) - Thính giả hỏi: “Tôi là ở Nghệ An đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chưa hết hạn hợp đồng ra làm ngoài đã 5 năm, nay muốn về Việt Nam thì phải làm những thủ tục nào?”. 

(VOV5) - Thính giả hỏi: “Tôi là ở Nghệ An đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chưa hết hạn hợp đồng ra làm ngoài đã 5 năm, nay muốn về Việt Nam thì phải làm những thủ tục nào?”. Thính giả cũng quan tâm tới thủ tục du học ở Đức cũng như thông tin về nghi lễ Chầu Văn.

Nghe nôi dung chi tiết tại đây:

Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin đăng nội dung thư của anh Nguyễn  Việt Hà. Thư viết: “Tôi là công dân Thành phố Vinh - Nghệ An đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, trước khi đi đã nộp phí bảo lãnh cho đơn vị đưa đi lao động, chưa hết hạn hợp đồng tôi bỏ ra làm ngoài đã 5 năm, nay muốn về Việt Nam thì phải làm những thủ tục nào?”
 Anh Hùng thân mến ! Để có thể về Việt Nam thì anh cần phải thực hiện các thủ tục để được xuất cảnh khỏi Hàn Quốc và nhập cảnh về Việt Nam. Anh cần phải tìm hiểu điều kiện và thủ tục xuất cảnh theo pháp luật Hàn Quốc. Đối với thủ tục này, anh có thể tham khảo tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hàn Quốc.  

 Về thủ tục nhập cảnh về Việt Nam, theo Nghị Định 136 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65 của Chính phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Nghị định 136”), điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam trong trường hợp của anh, phải có: Hộ chiếu quốc gia hoặc giấy thông hành. 

Bạn Vũ Nguyên Hằng hỏi: “Em là sinh viên năm 3 tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, em muốn được học bác sĩ nội trú bên Đức hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ. Vậy có khóa học phù hợp cho em không? Em phải chuẩn bị những gì?

Bạn thân mến ! Cũng như tại Việt Nam, các ngành học về y tại Đức có những qui định khắt khe trong tuyển sinh. Do đó, các hồ sơ xin học được xem xét riêng. Tùy thuộc vào năng lực học và quá trình học của bạn tại VN mà trường đại học Đức quyết định có nhận bạn vào học hay không.

Bạn có thể tìm thấy danh mục các chương trình ở ngành y cũng như địa chỉ liên lạc của các trường tại trang web www.study-in.de.

 Cũng về chủ đề du học, bạn Nguyễn Thị Hằng hỏi: “Em tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Đức của Đại học Hà Nội, muốn sang Đức học cao học thì có thể học những ngành nào? Hay em chỉ được học tiếp về ngành tiếng Đức thôi?”

  Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời: Thông thường, bạn chỉ có thể được nhận vào các ngành học cao học liên quan đến ngôn ngữ, văn chương hay văn hóa. Một số chương trình MBA tại Đức chỉ đòi hỏi sinh viên có một bằng tốt nghiệp đại học nếu bạn đã có kinh nghiệm đi làm trên 2 năm trong lĩnh vực kinh tế.

Với câu hỏi của bạn Trần Thị Mai Uyên là điểm tốt nghiệp Đại học không được tốt lắm nên bạn muốn lấy kinh nghiệm làm việc để làm căn cứ xin học bổng, có được không? , chúng tôi tham khảo chuyên gia và trả lời bạn như sau: Để đủ điều kiện nộp đơn xin học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ, bạn cần có điểm trung bình tối thiểu là 8.0 và chứng chỉ Anh ngữ quốc tế tương đương IELTS 6.5. Đối với cả hai điều kiện trên, nếu điểm của bạn càng cao thì khả năng đạt được học bổng càng cao. Ngoài ra, tùy theo trường và ngành nghề mà bạn ghi danh theo học sẽ có thể có những yêu cầu thêm như những bằng chứng về hoạt đông ngoại khóa, bằng khen và giải thưởng xuất sắc trong quá trình học, thư giới thiệu của nhà trường hoặc công ty bạn làm việc cũng như một bài viết luận bằng tiếng Anh theo một chủ đề nào đó…Việc củng cố kinh nghiệm làm việc cũng có thể giúp bạn nâng cao khả năng xin học bổng của mình hơn.

          Quý thính giả thân mến ! Hiện nay, nghi lễ Chầu văn không chỉ được thực hiện trong không gian linh thiêng đền, phủ… mà đã được các nhà nghệ thuật đưa lên sâu khấu như một tác phẩm nghệ thuật. Nhiều thính giả muốn biết thông tin về nét văn hóa này

          Chúng tôi xin thông tin như sau: Nhận thức xã hội đối với Nghi lễ Chầu văn đã có sự thay đổi, Chầu văn đã dần bước ra đời sống và được người dân quan tâm. Các thanh đồng chính là những chủ thể của việc bảo tồn nghi lễ Chầu văn, vì vậy các thanh đồng cần có ý thức hơn về những hoạt động văn hóa tín ngưỡng của mình, tự điều chỉnh hành vi phù hợp mục tiêu bảo tồn giá trị Nghi lễ Chầu văn.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghi lễ Chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Liên hoan nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất năm 2013 của Hà Nội là việc kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Chầu văn trên địa bàn thành phố, tập hợp tư liệu trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận nghi lễ Chầu văn của Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và góp sức vào cuộc vận động UNESCO công nhận nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chầu văn (hát văn) là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh, được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng Tứ phủ).

Tuần qua, qua trang web, đọc tin về cải cách tiền lương công chức nhằm đảm bảo an sinh xã hội, bạn trẻ ở địa chỉ thaihoa@gmail.com.vn đã có những chia sẻ về vấn đề này trên cả mặt tích cực và những hạn chế.

Nguyễn Hoàng Tùng, sau khi đọc bài về ra mắt bản tiếng  Việt “ Lolita”-viên ngọc gây tranh cãi của văn học thế giới thông tin đã có một bản dịch Lolita khác ở trang web: vietnamlolita.blogspot.com. Thính giả Sami Niemelainen, từ Phần Lan gửi thư xác nhận đã nghe được chương trình trên sóng phát thanh và muốn chương trình gửi cho ông chứng nhận nghe đài. Chúng tôi sẽ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của ông.

Tuần qua, chương trình cũng tiếp tục nhận được tin, bài cộng tác của các cộng tác viên trong nước, thính giả ở nước ngoài, các cơ quan thường trú Pháp, Mỹ, Nga, Thái Lan…Cám ơn vì sự đóng góp của các bạn với chương trình

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu