Trả lời thính giả về phong tục đón Giáng Sinh ở Việt Nam; những món ăn đặc sản mùa đông; Festival Hoa Đà Lạt

Chia sẻ
(VOV5) - Các thính giả cũng gửi lời chúc một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc, mong muốn được nhận quà lưu niệm nhân dịp năm mới.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, các thính giả chúc mừng một mùa Giáng sinh an lành sắp tới, mong muốn nhận được quà lưu niệm dịp năm mới. Các thính giả cũng yêu cầu được thông tin về một số hoạt động trong đời sống, xã hội của Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Những lá thư thính giả gửi về tuần qua đều bày tỏ sự thú vị về nội dung của các chương trình của Đài  Tiếng nói Việt Nam, Ban Đối  ngoại. Các thính giả cũng gửi lời chúc một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc, mong muốn được nhận quà lưu niệm nhân dịp năm mới.

Trong thư gửi tới chương trình thính giả Đinh, ở Giang Tô, Trung Quốc, viết: “Chúc tất cả cán bộ, nhân viên của Đài TNVN Giáng sinh vui vẻ! Chúc mừng Năm Mới! và Vạn sự như ý! Sang năm mới, tôi sẽ tiếp tục giữ tương tác với các chương trình của Đài các bạn!” Thính giả José Luis Corcuera ở Vitoria, Tây Ban Nha, chia sẻ: “Giáng sinh đang đến gần và tôi hy vọng, năm nay sẽ có được những giây phút bình yên bên gia đình. Chúc các thành viên của chương trình sẽ có một ngày nghỉ vui vẻ bên những người mình yêu thương”. Từ Lima, Peru, thính giả Johnny Antonio Ramírez López cảm nhận vẻ đẹp của cây cầu Long Biên ở thủ đô Hà Nội qua bài viết mà ông được nghe, ví đó như một con rồng hiền lành. Thính giả Sun Phol, ở Phnom Penh, Campuchia, cho biết: “Nhiều trang báo tại Campuchia cũng đăng tải các bài viết về thoả thuận mới ký kết giữa tập đoàn NVidia với Việt Nam. Với những bước tiến này, tôi tin Việt Nam có thể trở thành trung tâm AI và khoa học công nghệ tại khu vực”.

Bình luận trên trang web, thính giả Nguyễn Thị Minh Hải cảm thấy xúc động khi nghe bài hát Thưa má con đi của Cẩm Quỳnh, người Việt ở Italia bởi nói lên niềm nhớ nhung của người con xa quê khi nhớ về mẹ. Thính giả Phạm Thị Thu Phượng khi nghe bài viết về tiến sĩ Ngô Khắc Hoàng, người Việt tại Thụy Điển cũng đã viết: chúc mừng cháu và cố gắng nhiều hơn nữa nhé.. Còn rất nhiều bình luận của thính giả về các bài viết trên các lĩnh vực, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải.

Quý thính giả thân mến,

Nhiều thính giả hỏi Lễ Giáng sinh và Năm mới ở Việt Nam thường được tổ chức và ăn mừng như thế nào.

Noel hay còn gọi là Giáng sinh ở Việt Nam thường được tổ chức vào thời gian từ tối 24-12 đến hết ngày 25-12. Ở Việt Nam, lễ Giáng sinh không chỉ là của riêng những người theo đạo Thiên Chúa; mà đã trở thành dịp để vui chơi với nhiều người, nhất là đối với giới trẻ; để tặng quà và chúc nhau câu an lành. Dịp này, các gia đình người công giáo thường cố gắng hoàn tất mọi công việc trong năm; chuẩn bị trang trí nhà cửa để sum họp gia đình. Người dân tạo nên những không gian tuyệt đẹp của ngày Noel như trang trí cây thông Noel, tặng quà cho trẻ em. Trẻ em Việt cũng hình thành văn hoá viết thư gửi cho ông già Noel để bày tỏ những ước mơ, mong muốn của mình. Với những người Việt Nam không theo đạo Thiên Chúa, ngày Giáng sinh giống như một ngày vui, nên các bậc cha mẹ tuỳ vào hoàn cảnh, điều kiện và khả năng của mình mà có những cách để tặng quà cho con em mình. Hằng năm, từ tháng 11, nhiều trung tâm thương mại, đường phố đã rực rỡ sắc màu của Noel. Đêm giáng sinh, tại các nhà thờ rất đông người. Nhiều chương trình văn hoá, nghệ thuật mang màu sắc Giáng sinh cũng được tổ chức tại nhiều nơi.

Thính giả Uongchay gửi thư từ Lào mong muốn tìm hiểu về nhà thờ lớn Hà Nội trong dịp Noel.

Cứ gần đến ngày 24 - 25 tháng 12 hằng năm, Nhà thờ Lớn Hà Nội lại được trang trí với hang đá, cây thông, đèn và ngôi sao, tạo nên không khí ấm cúng và không gian rực rỡ, lung linh sắc màu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của những người theo đạo Thiên Chúa giáo. Nhà thờ Lớn Hà Nội thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, không chỉ bởi vẻ đẹp của kiến trúc mà còn đến từ những hoạt động sôi động diễn ra quanh khu vực nhà thờ. Đặc biệt, vào mùa Giáng sinh, tại cổng Nhà thờ Lớn, một cây thông Noel khổng lồ cao khoảng 20m trở thành điểm nhấn, tạo ra không khí lễ hội, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của mùa lễ Giáng sinh an lành và ấm áp. Trên con đường dẫn vào nhà thờ, du khách sẽ không khỏi bất ngờ với khung cảnh lộng lẫy được trang hoàng bởi đèn sao kết hợp với những bức tường cổ kính tạo nên không gian vô cùng ấm cúng. Bên cạnh đó, những hiệu sách và cửa hàng xung quanh Nhà thờ Lớn cũng được trang trí với nhiều đồ vật mang đậm không khí Giáng sinh.

Với không gian lộng lẫy và rực rỡ sắc màu tại Nhà thờ Lớn, người dân Thủ đô nói riêng và du khách thập phương nói chung có thể trải nghiệm trọn vẹn không khí ngày lễ Giáng sinh.

Từ Nhật Bản, thính giả Harada Ryosuke hỏi đặc sản mùa đông của Hà Nội là những món ăn gì và muốn được chương trình giới thiệu?

Mỗi khi trời trở lạnh, món bánh đúc nóng làm say lòng bao người Hà Nội và du khách, trở thành một nét tinh hoa trong ẩm thực phố phường Hà Thành. Một đặc sản khác mà các tín đồ ẩm thực rất dễ bắt gặp vào mùa đông Hà Nội chính là các món bánh chiên đặc trưng như chuối chiên, khoai chiên, ngô chiên cùng các loại bánh rán mặn ngọt khác. Ở Hà Nội, bún ốc chuối đậu hay cháo sườn kèm quẩy là những món ăn được ưa thích vào những ngày đông lạnh. Trên các con đường Hà Nội, trong thời tiết se se lạnh ngày đông về,  bánh trôi tàu hay bánh giò nóng đã trở thành một trong những món ăn mang đậm bản sắc quốc dân và luôn khiến các tín đồ ẩm thực thích. Trong những ngày thời tiết dần trở lạnh, mùi hương thơm phức của thịt xiên nướng rất được lòng giới trẻ thủ đô. Dù là món ăn có suốt 4 mùa, tuy nhiên phải vào đông, món ốc mới thực sự được thực khách ưa thích với đủ các loại ốc mít, ốc vặn, ốc hương, ốc móng tay… Và khi đông về, khoai nướng hay ngô nướng, sắn luộc đều được các bạn trẻ lựa chọn, bởi cảm nhận được sự ấm áp.

Thính giả But Chantha, ở Kampot, Campuchia, muốn được nghe giới thiệu về festival Hoa Đà Lạt.

Festival hoa Đà Lạt lần này với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu” được tổ chức với 10 chương trình chính: lễ khai mạc; chương trình nghệ thuật chào năm mới 2025 kết hợp Festival hoa Đà Lạt; Không gian hoa quanh hồ Xuân Hương và các tuyến phố, công viên trung tâm; chương trình nghệ thuật Bảo Lộc hương trà, sắc tơ; Phố rượu vang, trà, cà phê, đặc sản Đà Lạt; giao lưu văn hóa nghệ thuật Đà Lạt - Chuncheon (Hàn Quốc); carnaval đường phố; Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”…Festival hoa Đà Lạt là lễ hội văn hóa, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng đến với du khách trong nước và quốc tế. 

Thính giả Manfred Korn, ở Stuttgart, Đức, cho biết ông thấy rất thú vị được theo dõi tình hình Việt Nam từ xa. Ông hỏi những loài cây nào ở Việt Nam chịu được bão tốt. Chương trình xin giới thiệu:

Dừa là loại cây chịu được gió mạnh rất tốt nhờ thân thẳng đứng và rễ phát triển theo chiều ngang, giúp cây giữ vững trong những trận bão lớn. Cây phi lao nổi tiếng với khả năng chống chịu bão lũ nhờ vào thân cây dẻo dai, không dễ bị gãy đổ trước gió mạnh. Cây bàng vuông có tán lá rộng, giúp làm giảm tốc độ gió khi bão thổi vào. Cây sao đen có thân gỗ cao, thẳng và rất cứng cáp, phù hợp để chống chọi với bão lớn. Với thân cao và thẳng đứng, cây cau không chỉ giúp tạo cảnh quan mà còn có khả năng chống chịu bão tốt. Hệ rễ cau phát triển sâu, giúp cây bám chắc vào đất và tăng cường khả năng chống xói mòn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu