Trả lời thính giả về Giỗ Tổ Hùng Vương, về làng nghề kim hoàn tại Việt Nam, di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình cũng nhận được tin bài kịp thời của  các cơ quan thường trú về vụ cháy trung tâm thương mại, cũng như việc triển khai các biện pháp xử lý và công tác bảo hộ công dân. 

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả hỏi về các vấn đề đời sống, xã hội của Việt Nam như Giỗ Tổ Hùng Vương, các làng nghề kim hoàn tại Việt Nam, di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Na. Chương trình trả lời thư của thính giả

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Gửi thư về chương trình, các thính giả bày tỏ cảm xúc về những ngày lễ lớn của người Việt.

Các bạn sinh viên Campuchia trong thư gửi về chia sẻ ấn tưởng về những tin bài Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các bạn viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào chung của ba nước Đông Dương, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị” và  “Thế hệ trẻ ba nước Đông Dương cần học hỏi để hiểu biết về nhau, về đất nước và con người ở mỗi quốc gia.

Thính giả từ Ấn Độ, từ Italia gửi báo cáo sóng cho chúng tôi. Thính giả Juan Carlos Pérez Montero, dù bận rộn với công việc và việc chăm sóc cha mẹ già, vẫn không quên nghe đài và gửi báo cáo sóng cho chúng tôi. Thính giả viết:  Đối với tôi, nghe đài là giây phút thư giãn, vui vẻ và việc nhận được phản hồi của các bạn luôn khiến tôi vui cả ngày”. Thính giả Jose Moacir Portera de Melo, người Brazil, viết:Tôi nghe VOV hầu như tất cả các buổi chiều, vào lúc 5 giờ (tức 21 giờ UTC). Tôi muốn biết tin tức về đất nước của các bạn. Từ Nga, thính giả Eugene Kornykhin gửi thư với nội dung: “Tôi chưa từng đặt chân đến Việt Nam và tôi đang cố gắng hình dung về đất nước của bạn qua chương trình của VOV”. Từ Tokyo, Nhật Bản, thính giả Masao Hosoya chia sẻ sự thú vị về các chương trình về nói về ngày Giỗ Tổ Hùng vương, qua đó, hiểu được về đất nước, con người Việt Nam.

Chương trình cũng nhận được tin bài kịp thời của  các cơ quan thường trú về vụ cháy trung tâm thương mại, trong đó hầu hết ảnh hưởng tới người Việt tại đây, cũng như việc triển khai các biện pháp xử lý và công tác bảo hộ công dân.

Quý thính giả thân mến, thính giả Sok Kim Heng, Campuchia muốn tìm hiểu làng nghề kim hoàn tại Việt Nam. Làng nghề kim hoàn có rất nhiều ở các khu vực của Việt Nam. Chương trình xin giới thiệu một số làng nghề sau đây:

Làng nghề làm vàng bạc Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện  Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm. Triều đình nhà Lê khi đó giao cho quan thượng thư Lưu Xuân Tín lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long. Ông đã ưu tiên cho người làng ông là Châu Khê lên Thăng Long lập xưởng. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc (còn gọi là Kim Hoàn). Trong khoảng gần 100 năm trở lại đây, làng nghề Châu Khê đã đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật sản xuất, chất lượng và số lượng sản phẩm vàng bạc trong cả nước.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng độc đáo.  Tổ nghề chạm bạc là Nguyễn Kim Lâu. Ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVII, vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long (Cao Bằng ngày nay). Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được tổ chức sản xuất theo phường hội. Sản phẩm của Đồng Xâm gồm 3 loại: thờ cúng, trang sức và mỹ nghệ, thu hút hàng ngàn lao động.

Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước còn nghề làm vàng quì. Cả làng có khoảng 30 gia đình với tổng số hơn 200 người làm nghề dát vàng quì. Nghề làm vàng quì ở đây có lịch sử hình thành, phát triển trong khoảng 250 năm. Ông tổ nghề là Nguyễn Quý Trị.  Trải qua nhiều thời kỳ, đến nay, người dân Kiêu Kỵ vẫn gìn giữ và lưu truyền lại nghề vàng quỳ cho con cháu.

Làng nghề kim hoàn Kế Môn, ở thành phố Huế,  nằm bên phá Tam Giang. Tổ nghề là ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề kim hoàn. Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn của xứ đàng trong. Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào, tiêu biểu là ông Cao Đình Độ quê ở Thanh Hóa đã đến định cư ở làng Kế Môn hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu.

Thính giả Mikio Kohara, ở Osaka, Nhật Bản, hỏi ở Hà Nội  có những địa điểm hay công viên chuyên trồng hoa hồng không?

Rất nhiều địa điểm trồng hoa hồng ở Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu những địa điểm sau:Công viên hoa hồng Rose Parklà một công viên hoa hồng đầu tiên ở Long Biên, Hà Nội cách trung tâm khoản 10 km. Nơi đây, trồng hơn 12000 cây hồng lộc có xuất xứ Bến Tre. Địa điểm tiếp theo là Công viên Thống Nhất, ở Hà Nội, trồng hơn 10 ngàn cây hoa hồng trên dải đất rộng 5met, dải hơn 300 mét.

Thính giả Bunmi muốn tìm hiểu hiện ở Việt Nam có bao nhiêu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận?  Thính giả muốn nghe giới thiệu về di sản Vịnh Hạ Long

Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu tiên vào năm 1994 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo và quan trọng về mặt thẩm mỹ. Năm 2000, Vịnh Hạ Long lần thứ hai vinh dự được công nhận bởi những giá trị địa chất địa mạo đặc trưng, qua quá trình Trái đất kiến tạo trong hàng tỉ năm.

Ngày 16/9/2023, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Theo Cục Di sản Văn hóa, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận vì chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh ngọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng những đặc điểm liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh ngọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.

 

 

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu