Thông tin về việc VK được kinh doanh bất động sản như ở trong nước, chuyển quà từ nước ngoài về VN

Chia sẻ

(VOV5) - Chương trình trả lời những vấn đề thính giả quan tâm như việt kiều được kinh doanh bất động sản như ở trong nước.

 

(VOV5) - Chương trình trả lời những vấn đề thính giả quan tâm như việt kiều được kinh doanh bất động sản như ở trong nước; chuyển quà từ nước ngoài về Việt Nam; thông tin về ẩm thực trà Việt. Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư của các bạn trẻ muốn được tư vấn ra Côn Đảo làm việc; thư của thính giả, cộng tác viên, phóng viên từ các nước phản ánh về đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn,
Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư của thính giả, các cộng tác viên gửi về như thư của thầy Thích Giải Hiền, Đài Loan (Trung Quốc), thông báo về chương trình từ thiện cho đồng bào nghèo ở Hà Tĩnh, thư của chị Tạ Phạm Bích Thủy,  Cộng hòa Sec; chị Thu Vân, Thiên Hương, ở Mỹ; ông Nguyễn Văn Công, ông Đắc Chí, ở Pháp; chương trình cũng nhận được  tin, bài của các cộng tác viên ở  Ba Lan, Đài Loan(Trung Quốc) và tin, bài của các đồng nghiệp tại các cơ quan thường trú Nga, Mỹ, Pháp về đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tuần qua, chương trình cũng nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của thính giả trên trang web vov5 sau khi đọc bài: Côn Đảo thu hút người trẻ đến lập nghiệp. Đó là thư của các bạn Phạm Xuân Thành, ở Quảng Bình, bạn Trần Ngọc Thủy, ở TPHCM, bạn Hà Văn Thủy… các bạn đều rất muốn được tư vấn về thủ tục để xin ra Côn Đảo làm việc. Chúng tôi đã chuyển thư của các bạn và sẽ nhanh chóng trả lời trong thời gian sớm nhất.

Vẫn là những lá thư quen thuộc với chương trình, ông Nguyễn Hưng hỏi: “Tôi được em gái bên Mỹ gửi tặng 1 bộ sofa. Xin cho tôi biết quy định về thuế đối với quà tặng này”.
Chúng tôi xin trả lời câu hỏi này như sau: theo quy định của pháp luật, “Hàng hóa là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại được xét miễn thuế trong định mức”. “Hàng hoá của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài biếu, tặng cho các cá nhân Việt Nam với trị giá hàng hoá không vượt quá một triệu đồng, hoặc trị giá hàng hoá vượt quá một triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới năm mươi nghìn đồng thì được miễn thuế (không phải làm thủ tục xét miễn thuế nhập khẩu).”

Do vậy, nếu bộ sofa mà bạn nhận được, có trị giá không vượt quá một triệu đồng hoặc trị giá hàng hoá vượt quá một triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới năm mươi nghìn đồng thì bạn thuộc trường hợp được xét miễn thuế nhập khẩu đối với bộ sofa. Trong trường hợp bộ sofa có giá trị trên 1 triệu đồng và tổng số thuế phải nộp là trên năm mươi nghìn đồng thì bạn sẽ phải đóng thuế nhập khẩu.

Thuế nhập khẩu bạn phải nộp = Giá tính thuế nhập khẩu x Thuế xuất nhập khẩu

Thuế giá trị gia tăng:

Thuế giá trị gia tăng bạn phải nộp = (Giá nhập tại cửa khẩu đối với mặt hàng cùng loại + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất thuế giá trị gia tăng

Thuế suất giá trị gia tăng đối với hàng hóa này là 10%.

Quý thính giả thân mến !  Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn hỏi về quy định việt kiều được kinh doanh bất động sản như ở trong nước. Chúng tôi xin thông tin: Theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được thẩm tra trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mở rộng đáng kể. Dự luật quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: (1) đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; (2) thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; (3) đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; (4) thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Dự thảo luật cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản và được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để làm trụ sở, văn phòng làm việc, để sản xuất, kinh doanh. Mặc dù còn phải chờ để Quốc hội thông qua trước khi chính thức có hiệu lực, song đây thực sự là một tin vui đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu kinh doanh bất động sản tại quê nhà.

Bạn Huỳnh Công Vinh hỏi: “Tôi có bà ngoại 83 tuổi đang sống tại Úc. Hiện ngoại đang sống cùng cậu tôi, nhưng bệnh tai biến đã lâu và cần người chăm sóc. Tôi chưa có gia đình và muốn qua chăm sóc bà thay cậu tôi theo diện 116. Tôi đã tìm hiểu về thủ tục làm visa, nhưng xin tư vấn thêm vì gia đình tôi có 5 cậu ruột và 1 chị ruột đang sống tại Ôxtrâylia . Tất cả đều có gia đình, có con và đều đi làm, trông con nên không thời gian chăm sóc bà. Như vậy nếu tôi làm hồ sơ thì nên kê khai những người liên quan như thế nào?

Bạn Vinh thân mến ! Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau: Theo thư của bạn, tôi hiểu rằng bạn có bà ngoại đang định cư ở Ôxtrâylia. Nay bạn muốn sang  định cư theo diện chăm sóc người thân (visa 116).

Visa 116 là loại thị thực dành cho người nước ngoài có nhu cầu sang Ôxtrâylia định cư để chăm sóc cho người thân bị đau ốm.

Ngoại của bạn phải là công dân Oxtrâylia hoặc có thẻ thường trú Ôxtrâylia, đang bị đau ốm cần có người thân chăm sóc, và đồng ý bảo trợ cho bạn khi sang Ôxtrâylia.

Lưu ý: Bạn cần hiểu rõ tình trạng đau ốm của ngoại bạn cũng như bạn có thể giúp được gì cho bà. Ngoài ra, bạn cần phải chứng minh việc bạn sang  Ôxtrâylia để chăm sóc cho bà, mà sự chăm sóc đó những người thân và các cơ quan khác không thể làm được.

Bạn phải có sức khỏe tốt

Tính cách phù hợp, không có án tích về hình sự.

Thanh toán đầy đủ lệ phí xin visa

Bạn phải ký vào một bản cam kết (được bao gồm trong mẫu đơn xin thị thực) về việc sẽ tôn trọng cách sống và tuân thủ luật pháp của nước sở tại

 Quý thính giả thân mến! Nhiều người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài muốn biết đến phong tục uống trà của người Việt. Uống trà vào những dịp nào và cách thức uống trà như thế nào?
Có thể nói trà có mặt trong mọi hoạt động xã hội của người Việt, từ trong gia đình ra tới ngoài phố, từ các quán nước vỉa hè đến những nhà hàng sang trọng. Trong những dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi, trà là thứ không thể thiếu. Một bộ ấm pha trà là thứ luôn có trong mỗi gia đình người Việt. Cách thưởng thức trà của người Việt cũng mang nhiều nét độc đáo, cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng và không theo chuẩn mực nào. Việt Nam không có trà đạo nên cách uống trà được coi là nghệ thuật có tính truyền thống. Người Việt uống trà theo nhiều kiểu: dân dã có, sang trọng, cầu kì cũng có. Tùy vào thời gian và sở thích riêng mà mỗi người tìm cho mình một cách thưởng trà khác nhau, có thể là trà xanh (chè tươi) cũng có thể là trà mộc, trà ướp hoa... Trà tươi để tiếp đãi hàng xóm láng giềng thân mật, trà ướp hoa để đãi thượng khách, khách quý phương xa đến thăm. Và cũng có thể do đặc điểm địa lý mà cách thức uống trà của người Việt cũng có sự khác biệt như người miền Bắc thích uống trà mạn (loại trà đã được sao tẩm) và uống nóng, người miền Trung thường hay dùng trà tươi dân dã, người miền Nam thường dùng trà đá…

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu