Gửi thư về chương trình, thính giả muốn được tìm hiểu về các điểm du lịch vào mùa thu Hà Nội; Di tích lịch sử hang Pắc Bó; các loại cốm; kem Tràng Tiền...
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Gửi thư về chương trình tuần qua, thính giả từ khắp nơi khẳng định Đài TNVN đã cập nhật tin tức đầy đủ, giới thiệu kịp thời các sự kiện trong nước và quốc tế.
Thính giả Harada Ryosuke, ở Hyogo, viết: “Việt Nam đã và đang phát triển vượt bậc về xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Thính giả Najimuddin, ở Ấn Độ, thú vị vì tin tức được cập nhật, nhiều chương trình hay. Thính giả Lutz Winkler, ở Schmittens, Đức, bày tỏ ấn tượng với cộng đồng người Việt ở CH Czech; khen bài viết về cuộc sống của người Dao. Các thính giả cũng vui mừng trước sự phát triển của quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thông qua chuyến thăm của các lãnh đạo Việt Nam. Nhiều thính giả từ Ấn Độ, Italia gửi thư thông tin bắt sóng được chương trình của Đài TNVN. Cám ơn vì sự đồng hành của quý thính giả.
Quý thính giả thân mến, lá thư đầu tiên chúng tôi trả lời là thư của ở Jakarta Timur, Indoneisa, hỏi Việt Nam tổ chức những hoạt động gì nhân dịp Quốc khánh?
Quốc khánh là ngày kỷ niệm lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt trên toàn thế giới. Vì vậy, các hoạt động được tổ chức không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Ở trong nước, nhiều năm trước, có diễu binh, duyệt binh. Nhiều năm trở lại đây, ngày Quốc khánh thường tổ chức bắn pháo hoa. Các bộ, ban ngành, cơ quan tổ chức tọa đàm, họp mặt, các chương trình nghệ thuật chào đón ngày kỷ niệm. Ở nước ngoài, đại sứ quán Việt nam tại các nước, các hội, đoàn người Việt cũng tổ chức gặp mặt mừng ngày kỷ niệm.
Thính giả Naghmouchi Nouari, ở Algeria, hỏi: các môn thể thao được người dân Việt Nam tập luyện hàng ngày là môn gì?
Đạp xe là một bộ môn giúp rèn luyện sức bền hiệu quả được nhiều người lựa chọn. Tiếp đó là chạy bộ là một môn thể thao giúp tăng cường đề kháng và sức khỏe khá hữu ích. Ngoài ra, còn một số môn khác như bóng đá, leo núi, Yoga, chống đẩy, cầu lông, bơi lội và khiêu vũ.
Thính giả Juan Carlos Pérez Montero, ở Tây Ban Nha, hỏi về các địa điểm du lịch vào mùa thu Hà Nội.
Chương trình xin giới thiệu các địa điểm: Hồ Gươm, Phố cổ Hà Nội, Hồ Tây, Nhà thờ lớn Hà Nội, chùa Trấn Quốc, Nhà hát lớn Hà Nội.
Thính giả Latdala, ở Lào, gửi tin nhắn muốn tìm hiểu về di tích lịch sử hang Pắc Bó.
Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Di tích có cụm di tích khu vực đầu nguồn gồm Hang Cốc Bó, Nền nhà ông Lý Quốc Súng, hang Lũng Lạn, Hang Ngườm , suối Lê Nin. Ngoài ra, ở đây còn có cụm di tích Kim Đồng; cụm di tích Bó Bầm; cụm di tích Khuổi Nặm. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt
Thính giả Sou Sambath, ở Phnom Penh, Campuchia, hỏi Phở Hà Nội và Phở Nam Định khác nhau như thế nào?
Phở Nam Định đậm vị nước mắm, không thể thiếu nước mắm cốt. Nước dùng được ninh từ xương ống, có thể thêm đuôi bò để tạo độ ngậy. Khi ninh xương, nước lần hai mới dùng để tránh mùi hôi của xương bò. Phở Nam Định phổ biến là áp chảo, tái lăn.
Phở Hà Nội nước dùng trong và thanh với các món chính là tái, chín và tái chín. Những cửa hàng phở lâu năm chỉ nấu nước dùng từ xương bò kết hợp với gừng, thêm hành củ đã nướng qua lửa, có thêm quế, hồi, thảo quả và nguyên liệu khác. Trong quá trình ninh phải vớt bọt, sau 24 tiếng vớt ra, chắt lấy nước cốt. Nước dùng nêm nếm bằng muối, gia vị, rất ít nơi sử dụng nước mắm như Nam Định.
Từ Campuchia, thính giả Chey Mali hỏi Hà Nội có bao nhiêu loại cốm?
Cốm Hà Nội có nhiều loại khác nhau, cách ăn và chế biến cốm cũng sẽ khác nhau. Cốm đầu mùa là loại cốm được làm từ lúa nếp non đầu mùa, có hạt mềm, mỏng và dẻo. Loại cốm này thích hợp cho người ăn chay hoặc có thể ăn kèm với chuối tiêu. Cốm giữa mùa thường được sử dụng để làm chả cốm. Cốm cuối mùa có hạt khá dày và to, ăn hơi cứng hơn so với các loại khác. Loại cốm này thường được dùng để làm xôi cốm hoặc để nấu chè.
Nhiều thính giả muốn được nghe giới thiệu về sự ra đời và phát triển của kem Tràng Tiền.
Kem Tràng Tiền ra đời năm 1958 cùng thời gian với nhiều thương hiệu kem khác bắt đầu vào Việt Nam do ảnh hưởng của người Pháp. Khi ấy, đây là một cơ sở ăn uống mậu dịch quốc doanh. Sở dĩ kem có tên là "Tràng Tiền" là bởi vì kem được bán và sản xuất ở con phố Tràng Tiền, lần đầu tiên là tại số nhà 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tên gọi này vẫn giữ nguyên từ ngày đầu tiên sản xuất cho tới bây giờ. Người nắm giữ công thức pha chế kem Tràng Tiền từ năm 1961 đến năm 1993 là một người đàn ông tên Khánh. Ông được học lớp làm kem một tháng do ngành ăn uống mở nhưng do ông có năng khiếu về món này, chỉ sau một thời gian ngắn làm kỹ thuật, ông đã nắm được gu của người Hà Nội, từ đó ông tìm ra công thức cho từng loại kem. Sau nhiều lần chuyển nhượng, kem Tràng Tiền hiện nay thuộc Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền.