Thính giả chia sẻ tình cảm, ủng hộ miền Trung cùng quan tâm nhiều lĩnh vực văn hóa Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình  nhận được nhiều ý kiến cùng tin, bài phản ánh về các hoạt động cứu trợ miền Trung

Tuần qua, chương trình  nhận được nhiều ý kiến cùng tin, bài phản ánh về các hoạt động cứu trợ miền Trung; Thính giả cũng quan tâm tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống của người Việt.

Nghe âm thanh tại đây:

 
 
Chào quý vị và các bạn,

Những ngày này, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có VOV là tin, bài và hình ảnh của miền Trung trong cơn bão lũ. Những dòng sẻ chia, những lời kêu gọi đóng góp từ khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài:

Bạn nghe đài từ các nơi cũng đã nhiệt tình hưởng ứng những lời kêu gọi hướng về miền Trung. Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân từ khắp các nơi đóng góp thông qua các hội, đoàn, hoặc trực tiếp cử các đoàn tới các khu vực miền Trung mang theo lương thực, đồ ăn và tiền hàng cứu trợ. Hoạt động này đã được các phóng viên, CTV các cơ quan thường trú kịp thời phản ánh. Từ các nước, các phóng viên, CTV từ Sec, Ba Lan, Lào, Campuchia, Indonesia cũng ngay lập tức cập nhật các hoạt động ủng hộ đồng bào miền Trung. Cùng với đó, vẫn là thông tin về việc tiếp tục đưa công dân từ các nước trở về do dịch COVID-19; tin, bài và ảnh về những ngày kỷ niệm trong tháng 10 ở trong nước và nước ngoài. Chia sẻ về các bài viết trên trang web VOV5, thính giả Phạm Văn Trình ca ngợi hoạt động của Hội từ thiện Sen Vàng Berlin với những dự án trên quê hương giúp đỡ người khó khăn. Hoặc một số thính giả như Phạm Đình Thái, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thanh Hương chia sẻ ý kiến khi đọc tin: VOV góp phần đưa văn hóa Đức đến với VN rằng, sự kiện sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Thính giả cũng tiếp tục đóng góp ý kiến cho nhiều chuyên mục: sức khỏe, ca nhạc, văn hóa, khám phá Việt Nam, sắc màu các dân tộc…

 Quý thính giả thân mến, các thính giả chương trình tiếng Trung Quốc hỏi về ý nghĩa logo mới của VOV. Chương trình xin thông tin:

Logo thương hiệu nhận diện mới của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện sự kết hợp giữa bản sắc truyền thống dân tộc và tinh thần hiện đại khác biệt, đồng thời làm mới hoàn toàn logo VOV với tinh thần Việt Nam. Chữ V trên logo lấy cảm hứng từ cánh chim Lạc, thể hiện sự lạc quan, ước mơ và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.  Chữ O với biểu tượng nút PLAY chính giữa, biểu tượng truyền thông số, thể hiện tinh thần của VOV là một cơ quan báo chí đa phương tiện; nút PLAY - hình tam giác - cũng gợi sự chuyển động, liên tục tịnh tiến về phía trước, và cùng hướng bay của hai cánh chim Lạc (2 chữ V). Logo sử dụng 2 màu đỏ - xanh dương thể hiện năng lượng mạnh mẽ từ nội lực, mang tinh thần tươi mới, hiện đại trẻ trung. Hai màu sắc kết hợp đem tới sự sung túc, thịnh vượng, tin tưởng vào tương lại phát triển của VOV.

Nhiều thính giả móng muốn tìm hiểu ẩm thực việt, trong đó quan tâm đến món phở của Việt Nam, giá cả và hương vị món phở.

Phở không chỉ là một món ăn ngon mà còn trở thành “đại sứ ẩm thực”, góp phần vinh danh văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hương vị của món ăn này hội tụ đầy đủ những gì tinh túy nhất trong ẩm thực Việt Nam. Món phở được nêm các gia vị đặc trưng và sử dụng một cách hài hòa với nhau theo hai nguyên lý là Âm dương phối triển và Ngũ hành tương sinh ví dụ như món ăn dễ gây lạnh bụng (tính hàn) buộc phải có gia vị cay nóng (tính nhiệt) đi kèm và ngược lại. Các nguyên liệu tính nóng (ấm) phải được nấu cùng nguyên liệu tính lạnh (mát) để tạo sự cân bằng cho món ăn. Vì vậy, gia vị có gừng, cánh hồi, lại cũng có hành, ngò gai. Giá cả trung bình từ 30 đến 50 ngàn đồng. Mời bạn tới với quê hương chúng tôi và bất cứ ở đâu, bạn cũng có thể thưởng thức hương vị món ăn này.

Thính giả Irina, từ Nga muốn được nghe giới thiệu về khảm xà cừ - nghề thủ công của Việt Nam.

Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của VN. Làng nghề Chuôn Ngọn ở phía nam thành phố Hà Nội là cái nôi của nghề khảm xà cừ Việt Nam. Trước đây, hầu hết các sản phẩm khảm trai được sử dụng trong triều đình và trong các nhà giàu, có địa vị. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vẫn liên tục kế thừa tinh hoa từ đôi bàn tay khéo léo của cha ông và phát triển hòa nhập với xu thế hiện đại. Ngày nay, có hai hình thức khảm là khảm chìm (xà cừ được gắn chìm xuống bề mặt gỗ) và khảm nổi ( tức là xà cừ được tạo hình 3 chiều và gắn nổi trên bề mặt gỗ). Các công đoạn khảm xà cừ đã được cải tiến rất nhiều: Đầu tiên, người nghệ nhân phác thảo bản vẽ hay còn gọi là vẽ kiểu; Thứ hai, đó là chọn nguyên liệu. Đây là công đoạn “dễ mà lại khó”, bởi không yêu cầu người nghệ nhân làm việc tỉ mỉ mà lại đòi hỏi một bề dày kinh nghiệm trong nghề. Mỗi miếng ốc xà cừ, trai ngọc hay bào ngư đặt đúng vị trí sẽ toát lên hồn của bức tranh. Sau đó, ghép xà cừ đã cắt. Công đoạn này yêu cầu người nghệ nhân thật sự cẩn trọng làm việc và luôn sáng tạo ra cách ghép mới, lạ mắt nhưng vẫn thể hiện chi tiết như bản vẽ.

Từ Campuchia, thính giả Ear Peng muốn tìm hiểu về “Tượng vàng Kim Quy” – phiên bản thu nhỏ từ tiêu bản gốc Rùa Hồ Gươm đang trưng bày tại Đền Ngọc Sơn.

 “Tượng vàng Kim Quy” là quà tặng đặc biệt, được chế tác từ chất liệu đồng đúc nguyên khối, dát vàng 24k. Theo các chuyên gia, “Tượng vàng Kim Quy” đã hiện thực hóa ước nguyện tái hiện Rùa Hồ Gươm như một sự liên hệ gần gũi của người dân Hà Nội bao năm nay: Rùa Hồ Gươm nổi lên mỗi khi chào mừng những sự kiện lớn của đất nước.  Sản phẩm nêu rõ được ý nghĩa của Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của Hà Nội và của Việt Nam, thể hiện cho sự trường tồn, thể hiện cho việc chúng ta đã gìn giữ và bảo vệ môi trường, bởi theo các nhà khoa học thì Rùa Hồ Gươm có tuổi thọ khoảng 200 năm và để sống được trong thời gian đó thì cho thấy chúng ta đã giữ gìn môi trường tốt đẹp. Trước đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng là nơi được giao lưu giữ xác cụ Rùa. Các nhà khoa học tại đây đã nghiên cứu và chế tác tiêu bản gốc Rùa Hồ Gươm – được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội năm 2019 và hiện đang được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội.

 Quý thính giả thân mến,

Nhằm tăng cường thông tin về công tác đối với người việt Nam ở nước ngoài, từ ngày 7/9, chương trình phát phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc ngoài hai giờ phát sóng FM trong nước từ 10h đến 11h và từ 22h đến 23 h, sẽ phát sóng thêm 1 buổi từ 15 h đến 16h trên sóng FM 105.5 ở Hà Nội, Quảng Ninh và sóng FM 105.7 ở thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình cũng được phát trực tuyến  hàng ngày trên trang web vovworld.vn vào 3 buổi phát sóng trên, từ 10 h đến 11 h, từ 15h đến 16h và từ 22h đến 23 h( theo giờ Hà Nội). Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu