Quốc khánh 2/9; Kỷ niệm ngày thành lập Đài TNVN 7/9... là những thông tin thính giả quan tâm

Chia sẻ
(VOV5) - Trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, tràn ngập hình ảnh, tin tức  về ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9 được tổ chức.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả  quan tâm tới kỷ niệm Quốc khánh 2/9; Ngày thành lập Đài TNVN 7/9 cùng những lĩnh vực đời sống, xã hội của Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, ngày Quốc khánh 2/9 là chủ đề được thính giả ở khắp nơi rất quan tâm và gửi lời chúc mừng. Cùng với đó, kỷ niệm 79 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là sự kiện được thính giả chú ý.

Trên các phương tiện truyền thông những ngày qua, tràn ngập hình ảnh, tin tức  về ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9 được tổ chức trên toàn đất nước Việt Nam cũng như được cộng đồng người Việt ở nước ngoài long trọng tổ chức. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những chia sẻ về tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương của mỗi người con Việt tràn ngập khắp nơi.  

Quý thính giả thân mến, như thường lệ là phần trả lời thư những nội dung thính giả quan tâm. Thính giả Han Hardonk, người Hà Lan,  hỏi về các địa điểm du lịch nổi bật của miền Bắc Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu những địa danh sau: thủ đô Hà Nội với 36 phố phường ngàn năm văn hiến; thành phố Sapa ( tỉnh Lào Cai) với địa điểm săn mây; Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh với vẻ đẹp kỳ quan thiên nhiên thế giới; đảo Cát Bà Hải Phòng, hòn đảo ngọc giữa vịnh Bắc Bộ; Thác Bản Giốc Cao Bằng, vẻ đẹp hùng vĩ nơi biên giới; Hồ Ba Bể Bắc Cạn với cảnh sắc hữu tình; Hồ Núi Cốc Thái Nguyên được gọi là Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Thái Nguyên; Bà Vì( Hà Nội) là điểm du lịch cuối tuần lý tưởng. Ngoài ra, một số địa danh khác cũng rất thú vị để khám phá như chùa Hương; chùa Tam Chúc, núi Yên Tử; Cao nguyên đá Đồng Văn ở tình Hà Giang; Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái.. Nếu có dịp tới Việt Nam, các bạn hãy ghé thăm những địa danh  này, để có những giờ phút trải nghiệm thú vị.

Thính giả Dwi Rahardjo, từ Indonesia muốn biết về chương trình trải nghiệm khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội.

Chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 - 5 sao của Hà Nội” năm 2024 nằm trong Chương trình tổng thể kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội năm 2024 của Sở Du lịch thành phố Hà Nội. Chương trình bước đầu góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đồng thời tăng tỉ lệ, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn thành phố. Nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến Hà Nội, nhất là trong dịp hè thu và các ngày kỷ niệm lớn, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp các cơ sở lưu trú 4-5 sao của Hà Nội. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phát động, xây dựng chương trình để quảng bá, thu hút người Hà Nội và du khách đi du lịch tại chỗ, trải nghiệm các dịch vụ, lưu trú tại các khách sạn cao cấp tại nơi mình đang sống. Đồng thời, cơ quan quản lý, các hiệp hội, hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… hình thành liên kết, hợp tác nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố.

Thính giả Lim Dara, sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ, hỏi: “Ở Việt Nam có làng nghề sản xuất đồ chơi trong dịp Tết Trung thu không?”

Mỗi năm, vào dịp cận kề Tết Trung thu là làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống - làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lại nhộn nhịp. Dù hiện nay, trong làng chỉ còn khoảng 6 -7 hộ gia đình làm nghề, nhưng số lượng sản phẩm đồ chơi Trung thu được sản xuất ra cũng đủ cung ứng khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình... và một số tỉnh thành phía Nam như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Nói đến nghề nặn tò he, hầu như mọi người đều biết đến làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La từ lâu đã trở thành một nét văn hóa dân gian hiếm có của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Những người thợ tài hoa giờ đây không chỉ nặn những con vật truyền thống chim, cò mà còn làm ra những món đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em và cả người lớn thích thú. Ngày nay, các nghệ nhân Xuân La đã cập nhật sở thích, thị hiếu của các khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, với sự mở rộng thị trường sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nghệ nhân và các thợ nặn có tay nghề cao của làng tò he Xuân La còn được mời sang nước ngoài để biểu diễn.

Thính giả Volker Willschrey, ở Dillingen, Đức̣, cảm ơn chương trình đã gửi QSL có hình quần đảo Trường Sa. Ông nhờ chương trình cho biết thêm thông tin về quần đảo này.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm rải rác trong phạm vi biển Đông. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lý. Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước khoảng 3 5m. Quần đảo Trường Sa được chia làm tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao khoảng 4 - 6m lúc thủy triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km2). Ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa chỉ khoảng 3 km2 nhỏ hơn tổng diện tích của quần đảo Hoàng Sa (10 km2) nhưng lại trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn nhiều lần quần đảo Hoàng Sa. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại. Không chỉ có trữ lượng tài nguyên khá lớn, đa dạng mà quần đảo Trường Sa còn có vị trí quân sự chiến lược quan trọng án ngữ phía Đông Nam nước ta.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu