Tạo động lực phát triển vùng kinh tế biển Nam Định
Ngày 13/07, tại tỉnh Nam Định, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo".
Các đại biểu tham dự tọa đàm tại Hội thảo khoa học "Xây dựng phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo" - Ảnh: Công Luật/TTXVN |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ các điều kiện để phát triển vùng kinh tế biển như: Cơ sở hạ tầng; tổ chức bộ máy; con người; ngành kinh tế ven biển được lựa chọn; sự liên kết vùng gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó thiên tai; công tác giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con ven biển đã bám trụ làm kinh tế, tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng thời gian tới, để kinh tế biển phát triển, tỉnh Nam Định cần quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế biển, ven biển, đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển địa phương. Nghiên cứu phát triển kinh tế biển theo đặc thù của Nam Định, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ mới, công nghệ sáng tạo để nâng cao giá trị kinh tế, song phải gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường...
Nam Định có bờ biển dài 72 km gồm 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu với 80 xã, thị trấn. Các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Cán bộ, công chức thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”
Sáng 11/07, Công đoàn cơ quan, các Ban Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức phát động cán bộ, công chức, người lao động đóng góp 1 ngày lương ủng bộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại lễ phát động đóng góp ủng hộ Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" - Ảnh: dangcongsan.vn |
Hoạt động được toàn thể cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan hưởng ứng với số tiền thu được là gần 550 triệu đồng đóng góp vào quỹ.
Cùng với hoạt động này, những năm qua, với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, Thành phố đã thể hiện sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm của mình để tổ chức nhiều hoạt động, công trình ý nghĩa, thiết thực nhằm chăm lo cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tại các vùng biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.
Trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Trà Vinh
Sáng 14/07, tại UBND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tới trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Trà Vinh, trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao Động tổ chức.
Ông Trương Hoà Bình trao cờ Tổ quốc cho ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - Ảnh: nld.com.vn |
Đây là lần thứ 2, Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Trà Vinh. Ban tổ chức hy vọng hoạt động này sẽ tạo thêm động lực, góp phần giúp bà con ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn hai năm qua, ngoài Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai tặng cờ Tổ quốc và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều phần quà thiết thực cho người dân các địa phương với ý nghĩa góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia xuyên suốt từ biển khơi đến đất liền.
Huyện đảo tiền tiêu Cô Tô và Bạch Long Vĩ hợp tác cùng phát triển
Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) đều là 2 huyện đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh trên vịnh Bắc Bộ. Cô Tô hiện là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trong khi Bạch Long Vĩ cũng được định hướng trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.
Hai huyện đảo ký kết chương trình phối hợp với 5 nội dung trọng tâm và có cơ chế đánh giá định kỳ - Ảnh: VOV |
Thời gian tới, huyện đảo Cô Tô và huyện đảo Bạch Long Vĩ sẽ hợp tác, liên kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, du lịch, tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh trên vùng biển tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: "Chúng tôi thực hiện chủ trương kết nối 2 địa phương với nhau để bổ trợ, cùng nhau phát triển và đảm bảo mục tiêu chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, đó là đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh của vùng biển đảo gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững. Chúng tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển du lịch, đặc biệt là người dân Cô Tô trong thời gian qua đã rất thành công trong phát triển du lịch cộng đồng, qua đó nhiều du khách sẽ biết đến, dành tình cảm không chỉ riêng Cô Tô mà còn cả Bạch Long Vĩ".
Thời gian tới, 2 huyện đảo sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân đối với nhân dân hai địa phương; nghiên cứu thiết lập tuyến, luồng giao thông đường biển kết nối 2 địa phương nhằm đẩy mạnh giao thương, tăng cường liên kết phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng và triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát huy lợi thế và bảo tồn giá trị đặc sắc của mỗi bên.
Ngư dân Quảng Nam “đưa rác vào bờ”, bảo vệ môi trường biển sau chuyến ra khơi
Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hiện có khoảng 70% người dân làm nghề biển với 130 tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn, bình quân mỗi thuyền có từ 7-8 lao động, còn tàu câu mực thì khoảng từ 30- 40 thuyền viên/tàu trên một chuyến ra khơi dài ngày. Trong mỗi chuyến vươn khơi dài ngày, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều thức ăn, nước uống tiện lợi.
Sau mỗi chuyến vươn khơi, tàu cá của ngư dân ở xã Bình Minh mang về túi đựng đầy ắp vỏ chai nhựa - Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Trước đây, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô.
Trước thực tế này, bắt đầu từ tháng 4/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh phát động mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền”, kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom rác thải và mang vào bờ được nhiều ngư dân ủng hộ.
Những rác thải nhựa được đem về bờ cho đội ngũ thu gom của Hội Phụ nữ xã để tái chế, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương tại địa phương. Qua 3 đợt thu gom, phân loại, hội đã bán rác thải với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng. Ngoài rác thải, Hội còn vận động, thu gom lưới đã qua sử dụng, sau đó đan thành những chiếc túi và phát lại để các tàu đựng rác. Đến nay, mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền” đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngư dân.