Thông tin biển đảo ngày 18/06/2022

Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng 100 phần quà cho các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực cảng cá Phan Thiết.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Ngày 17/6, tại thành phố Phan Thiết, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Tại đây, đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đã gặp gỡ ngư dân để tuyên truyền, trao đổi, thông tin về các chính sách, quy định tại Luật Thủy sản; các văn bản pháp luật về biển, khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác bất hợp pháp; thông tin về vị trí các âu tàu của Hải quân đang phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các tần số thông tin liên lạc để sẵn sàng giúp đỡ ngư dân khi hoạt động trên biển.

Thông tin biển đảo ngày 18/06/2022 - ảnh 1

Hải quân trao quà cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. ảnh:  baohaiquanvietnam.vn

Dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng 100 phần quà cho các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực cảng cá Phan Thiết và 10 phần quà gồm (cờ Tổ quốc, áo phao, vật dụng cần thiết trên biển) cho các chủ tàu cá; đồng thời tổ chức thăm khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân.

Phát động chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021-2026

Tạp chí Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân tối cao) vừa phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Họp báo phát động thực hiện Chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021 – 2026.

Thông tin biển đảo ngày 18/06/2022 - ảnh 2

Ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân phát biểu tại họp báo. nguồn: qdnd.vn

Với 28 tỉnh, thành phố ven biển, những năm qua, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh vào khoảng hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó khối lượng rác thải nhựa xả ra biển khoảng 0.28-0.73 triệu tấn/năm. Ô nhiễm biển đã và đang là cản trở lớn trong quá trình phát triển bền vững biển Việt Nam. Ông Trần Quốc Việt, tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân- Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: Chính vì những nguyên nhân này mà chiến dịch “Làm sạch biển” hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức và hành động của cộng đồng về vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường biển nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên:"Chúng tôi làm sạch, dọn sạch rác biển rồi bàn giao cho chính quyền địa phương và đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục phong trào. Chúng tôi huy động lực lượng đoàn viên sinh viên các trường đại học và một lực lượng chủ công nữa đó là lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng để lan tỏa, tuyên truyền động viên quản lý theo dõi thậm chí phòng ngừa cá hành vi vi phạm".

“Làm sạch biển” được tổ chức tại 28 tỉnh thành phố có biển trên phạm vi toàn quốc trong thời gian từ năm (2021-2026) với mục tiêu trao tặng ít nhất 5.000 suất học bổng cho học sinh nghèo, 5.000 quà tặng cho các hộ ngư dân nghèo, 10.000 thùng rác, 500 biển hiệu tuyên truyền, 500 loa phát thanh, 5 triệu tài liệu tuyên truyền.

Bình Định: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô…. Để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển, tỉnh Bình Định chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Thông tin biển đảo ngày 18/06/2022 - ảnh 3Ngư dân Bình Định trúng cá ngừ đại dương vào đầu năm 2022. Nguồn: VOV

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã quy hoạch, hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, các dự án nuôi với quy mô lớn đều phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra biển. Bình Định đã hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết:"Đầu tiên là kiểm soát tất cả các nguồn thải, đặc biệt các nguồn thải dọc biển. Đánh giá hiện trạng môi trường biển, cho đến thời điểm hiện nay các mẫu môi trường biển phần lớn nằm trong giới hạn cho phép. Trong năm 2023, sẽ đầu tư trạm quan trắc môi trường nước biển tự động tại thành phố Quy Nhơn.”

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đang tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Mặt khác, Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết:“Sắp tới trong phát triển kinh tế biển, chúng ta sẽ giảm cường lực khai thác, tăng phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản gồm có nuôi bờ, đối với nuôi tôm thì chúng tôi tập trung đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Chúng ta sẽ phát triển nuôi biển ở một số vùng sử dụng công nghệ cao để mà phát triển, vừa đảm bảo được sản lượng thủy sản, nhưng vừa đảm bảo được nguồn lợi thủy sản bền vững cho khai thác lâu dài”.

Tỉnh Bình Định đang xây dựng vùng ven biển của tỉnh thành trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch - dịch vụ. Trước mắt, địa phương tập trung phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu