Hành động của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận và đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa

Phạm Huân/ VOV - Mỹ
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là nhận định của chuyên gia nghiên cứu Biển Đông ông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương.
Hành động của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận và đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa - ảnh 1 Ông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương. - Ảnh: Phạm Huân/VOV 

Trước đó, việc Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngang nhiên công bố cái gọi là“ khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đã bị dư luận trong và ngoài nước cực lực phản đối.

Bình luận về những động thái mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III cho rằng"Quyết định của Trung Quốc có thể là một mưu đồ nhằm củng cố tuyên bố Tứ Sa của mình mặc dù điều này là không thể biện hộ. Không có thực thể nào tại Tam Sa được coi là đảo dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cùng năm. Tương tự, các thực thể tại các vùng Trung Sa, Đông Sa khác cũng không thể được coi là đảo. Bản thân Trung Sa (Macclesfield Bank) hoàn toàn là một bãi ngầm. Đối với Trung Quốc, một quốc gia có thềm lục địa, việc tuyên bố chủ quyền đối với những quyền được có trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và vẽ đường cơ sở xung quanh các thực thể ở Tứ Sa sẽ khó mang tính thuyết phục. Quyết định mới đây của Trung Quốc sẽ vẫn không thể củng cố những cơ sở hời hợt về những tuyên bố chủ quyền mong manh của họ ở khu vực Biển Đông".    

Đề cập biện pháp để kiểm chế các tham vọng của Trung Quốc hiện nay, ông Lucio cho rằng các quốc gia cần sử dụng các kênh song phương và khu vực có thể được sử dụng để phản đối hành động mới đây của Trung Quốc. Ngoài ra, ASEAN cần yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động có thể gia tăng căng thẳng, reo rắc nghi kị và làm giảm các tiến triển trước đó trong quản lý tranh chấp và xây dựng lòng tin tại khu vực Biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu