Ngày 15/3, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Konrad-Adenauer- Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Đối thoại về Biển lần thứ 2 với nội dung “Hợp tác nghề cá tại Biển Đông”, tập trung thảo luận về tình hình và đánh giá cơ hội hợp tác nghề cá tại Biển Đông. Đối thoại thu hút hơn 70 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan và giới học giả của Việt Nam.
Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại. Ảnh: Hùng Cường |
Tại đối thoại, các diễn giả đều cho rằng hiện nay tại Biển Đông, tình hình đánh bắt cá trái phép, đánh bắt cá bằng các phương thức huỷ diệt môi trường và nhận thức kém về bảo vệ môi trường biển là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng nguồn cá. Do đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau một cách toàn diện, thực chất. Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh trữ lượng cá đang ngày càng suy giảm, các nước cần tích cực thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên cơ sở tính toán cân bằng lợi ích của từng lĩnh vực và giữa các quốc gia.