Tiếp tục góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức để góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng nay, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất.

(VOV5) - Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức để góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng nay, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất. Đánh giá cao điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, các đại biểu cho rằng nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ của nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phòng, chống và xử lý nghiêm các sai phạm về đất đai. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Một số ý kiến đề nghị Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là đô thị lớn.

 

Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến quốc tịch, đất đai, di trú và phát huy nguồn lực của Kiều bào trong xây dựng đất nước là nội dung chính được Kiều bào và các cựu du học sinh góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tại hội nghị diễn ra sáng nay, ở thành phố HCM. Các đại biểu đề nghị cần thể chế hóa chính sách chống độc quyền và có cơ chế kiểm tra để mọi người cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích kiều bào về đầu tư, đóng góp cho đất nước. Về vấn đề quốc tịch, bà Trần Thị Ngọc Lan, cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, nói: Theo tôi việc được lựa chọn quốc tịch Việt Nam và có hai quốc tịch song song, một quốc tịch nước ngoài và một quốc tịch Việt Nam là điều rất cởi mở. Tuy nhiên cần phải định nghĩa rõ khi là công dân Việt Nam thì phải có nghĩa vụ và điều đó phải được đưa vào trong Hiến pháp đối với những người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ví dụ như nghĩa vụ về bảo vệ Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy thì như thế nào, chứ không phải chỉ đòi hỏi quyền lợi mà phải có trách nhiệm.

 

Cùng ngày, tại Hà Nội, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Bộ lao động, thương binh và xã hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp cần thể hiện rõ hơn quyền của những người yếu thế. Các đại biểu cũng thống nhất bổ sung thêm đối tượng người nghèo được ưu tiên chăm sóc sức khoẻ. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Nhiều đại biểu đề nghị quyền trẻ em cần được quy định rõ hơn trong Hiến pháp với các nguyên tắc dành ưu tiên cho trẻ em, tôn trọng trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu