Nhạc sĩ, NSƯT Đình Nghĩ là một người con của xứ Huế mộng mơ, nhưng ông lại gắn bó với Đà Lạt gần như suốt hành trình làm nghệ thuật. Với hơn 40 năm miệt mài lao động sáng tạo, nhạc sĩ NSƯT Đình Nghĩ đã có hơn 300 tác phẩm âm nhạc, và ta có thể bắt gặp trong đó rất nhiều những tác phẩm với giai điệu trữ tình man mác hồn phố núi, đậm chất Đà Lạt.
Những ca khúc ấy cũng đang vang lên trên các sân khấu của thành phố ngàn hoa dịp Festival này, đặc biệt là trong khuôn khổ dự án âm nhạc “Hát lên tình yêu Đà Lạt”.
Nhạc sĩ Đình Nghĩ |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Nhạc sĩ Đình Nghĩ là người đã viết rất nhiều ca khúc dành cho Đà Lạt. Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi viết ca khúc “Đà Lạt lảng bảng chiều sương”?
Nhạc sĩ Đình Nghĩ: Có một bài thơ mà anh bạn người Hà Nội – nhà thơ Dương Quyết Thắng đã gửi cho tôi. Ở đó, bên cạnh nói về trời, trăng, mây gió, sương ngàn, anh còn kể thêm những địa danh mà tôi chưa đặt chân tới bao giờ, và các đặc sản của Đà Lạt mà tôi cũng chưa từng thưởng thức. Bài thơ “Đà Lạt lảng bảng chiều sương” đã được tôi phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, được nhiều ca sĩ trẻ trình diễn. Đặc biệt, ca khúc này được hát trong chương trình “Hát lên tình yêu Đà Lạt”, chào mừng Festival hoa Đà Lạt năm nay.
BTV Bảo Trang: Thưa NS Đình Nghĩ, Festival Hoa đang diễn ra trên thành phố cao nguyên. Chắc hẳn sự kiện này mang tới cho ông và các anh em văn nghệ sĩ nhiều điều thú vị phải không ạ?
Nhạc sĩ Đình Nghĩ: Mỗi dịp Festival hoa trên thành phố cao nguyên, ngoài sự náo nức chờ đợi của những người nông dân trồng hoa, các doanh nghiệp trên địa bàn, thì đây cũng là dịp để các anh chị em nghệ sĩ phát huy tài trí và năng lực của mình dành cho lễ hội bằng những sáng tác nghệ thuật, ca ngợi vẻ đẹp của hoa và những con người của thành phố mộng mơ, những nét đẹp văn hóa rất riêng của xứ cao nguyên hiền hòa, mến khách.
BTV Bảo Trang: Trong Festival Hoa năm nay có một dự án rất mới mà nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã mang đến, bổ sung thêm vào những nội dung phong phú của Festival. Đó là sự án âm nhạc “Hát lên tình yêu Đà Lạt” với sự tham gia rộng rãi, kể cả các nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng như những người viết nhạc không chuyên. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhạc sĩ Đình Nghĩ: Ngoài chương trình khai mạc của Festival hoa, còn có những chương trình hưởng ứng như chương trình Lễ hội Áo dài “Hoa và em” của Hội phụ nữ thành phố... Đặc biệt, dự án “Hát lên tình yêu Đà Lạt” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp và một số doanh nghiệp trẻ tổ chức ở phố đi bộ là chương trình rất ý nghĩa. Tất cả những ca khúc được trình diễn ở dự án này đều viết về Đà Lạt, bao gồm những bài hát từ thế kỷ trước, đã in sâu vào tâm trí của mọi người, những tác phẩm mà bạn bè xa gần đã viết về Đà Lạt, rồi những tác giả địa phương, đặc biệt có những tác giả rất trẻ... Những tiết mục đó không chỉ ca ngợi vẻ đẹp văn hóa của thành phố, ca ngợi lối sống hồn hậu, yêu thương, mà còn có tác dụng giáo dục thẩm mỹ âm nhạc để các cháy thanh thiếu niên yêu quê hương, yêu thành phố, yêu nơi mình sinh ra và lớn lên, đặc biệt là yêu văn hóa dân gian, yêu nghệ thuật dân tộc nước nhà.
BTV Bảo Trang: Tôi nhớ trong những ca khúc viết về Đà Lạt của nhạc sĩ Đình Nghĩ có ca khúc “Say trăng” - 1 trong 5 tác phẩm đã được xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Đó là một niềm vui rất lớn phải không, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Đình Nghĩ: Tôi viết ca khúc “Say trăng” năm 1996, vừa rồi mới được thu âm lại với giọng hát của ca sĩ Tuyết Mai trong một phiên bản mới, rất trẻ trung và hồn nhiên. Bài hát này là 1 trong 5 tác phẩm của tôi được xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là một niềm vinh dự quá lớn trong sự nghiệp âm nhạc của tôi. Tôi cũng luôn soi vào để xứng đáng với danh hiệu cao quý này, bằng những sáng tác thật tốt, thật phong phú, có chất lượng nghệ thuật.
BTV Bảo Trang: Có thể hiểu được tại sao ông lại yêu và viết nhiều ca khúc cho Đà Lạt đến thế. Thế nhưng khi viết nhiều như vậy, ông có khi nào trùng ý tưởng trong các ca khúc không?
Nhạc sĩ Đình Nghĩ: Đà Lạt là vùng đất của thi ca nhạc họa, với những nét đẹp lãng đãng mây ngàn. Một tác phẩm viết sau chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định từ những tác phẩm trước. Thế nhưng phải tính từng góc độ khác nhau, ví dụ như ca khúc “Nghiêng bờ xa xăm” tôi viết để ca ngợi hồ Xuân Hương. Có thể khi nghe thì không ai nghĩ đó là viết về hồ Xuân Hương của Đà Lạt. Đà Lạt có gốc là con suối của người Lạch, và hồ Xuân Hương ngày trước chỉ là con suối của người Lạch. Tôi mượn hình ảnh xa xăm đó để viết lên ca khúc “Nghiêng bờ xa xăm”, viết về hồ Xuân Hương – một di sản của thành phố Đà Lạt.
Rồi đến dịp Festival trước, tôi đã viết ca khúc “Vũ điệu bốn mùa hoa”. Thực ra Đà Lạt trong 1 ngày có 4 mùa: sáng lạnh, trưa hơi ấm, chiều rưng rưng và đêm co ro trong giấc ngủ. Trong “Vũ điệu bốn mùa hoa” có gần như tất cả các loài hoa của Đà Lạt, như mimosa, păng-xê, dã quỳ, thậm chí cả những nhánh lan rừng... Và Đà Lạt được gọi là thành phố hoa cũng là vì vậy!